Thursday, June 6, 2013

50 triệu người đóng quỹ thiên tai?

 (Dân Việt) - Sáng qua (6.6), Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT). 

Hầu hết các đại biểu (ĐB) đã nhất trí với tên gọi là Luật PCTT thay vì Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai như dự thảo trước đây đề xuất.

Băn khoăn việc lập quỹ

Một trong những vấn đề được các ĐB đặc biệt quan tâm là việc lập Quỹ PCTT, bởi nếu không làm “khéo” Quỹ này sẽ trở thành gánh nặng đóng góp cho người dân. ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) bảy tỏ: “Cần cân nhắc thêm việc thành lập quỹ để tránh tình trạng tồn tại quá nhiều loại quỹ, dẫn đến gánh nặng cho đóng góp của nhân dân và quá trình quản lý sử dụng quỹ cũng dễ phát sinh tiêu cực. Trường hợp nhất thiết phải thành lập quỹ, tôi đề nghị chỉ quy định nguồn thu từ tự nguyện, từ cá nhân, tổ chức chứ không nên quy định việc đóng góp bắt buộc như trong dự thảo. Bởi quy định như thế sẽ trở thành nguy cơ và tạo tiền lệ cho các loại quỹ bắt buộc khác sẽ được đưa vào văn bản luật sau này”.

ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) phát biểu tại nghị trường.

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) cũng nêu quan điểm: “Việc lập Quỹ PCTT là điều cần thiết ở một nước có trên 80% dân số bị tác động thiên tai mỗi năm. Tuy nhiên, theo như dự thảo của luật, phạm vi hoạt động của quỹ rất rộng, áp dụng với công dân từ 18 tuổi trở lên đến hết tuổi lao động bắt buộc phải đóng Quỹ PCTT, như vậy cả nước sẽ có tới trên 50 triệu người phải đóng quỹ. Do đó, ngoài việc bắt buộc, cũng cần có chính sách miễn giảm cho những đối tượng nhất định trong tình hình chúng ta đang có nhiều loại phí như hiện nay”.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị cần cân nhắc về độ tuổi đóng góp quỹ, bởi theo ĐB Thành, độ tuổi đóng góp quy định là công dân 18 tuổi trở lên, trong khi rất nhiều những công dân 18 tuổi chưa có thu nhập. Ngoài ra cũng cần cân nhắc về các đối tượng phải tham gia đóng quỹ.

Cần bắt buộc bảo hiểm thiên tai

Thành lập Ban Chỉ đạo PCTT T.Ư

Tại phiên thảo luận về Luật PCTT hôm qua, nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, cần hợp nhất 2 Ban Chỉ đạo ở T.Ư là: Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thành Ban Chỉ đạo PCTT T.Ư do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban. Bộ NNPTNT sẽ là cơ quan thường trực để tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo này.

Theo ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu), tại Điều 5 của dự thảo quy định: “Nhà nước có chính sách khuyến khích việc thực hiện bảo hiểm thiên tai tại các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai và bảo hiểm thiên tai cho các hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của pháp luật”. Theo ông Hoàng, không chỉ là khuyến khích mà cần quy định bảo hiểm bắt buộc đối với PCTT và nguồn bảo hiểm này cũng sẽ là một nguồn kinh phí tốt cho hoạt động PCTT.

Đề xuất này của ĐB Hoàng nhận được nhiều sự đồng tình của các ĐB khác. Một số ĐB cũng cho rằng, bảo hiểm thiên tai là nguồn lực cần thiết ngoài ngân sách nhà nước để khắc phục và giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Do đó, đề nghị cần quy định bảo hiểm bắt buộc đối với thiên tai và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện cụ thể.

Theo ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), chính sách về thiên tai cần quan tâm cụ thể hơn với đối tượng hộ nghèo và các doanh nghiệp (DN) kinh doanh bảo hiểm thiên tai. Luật phải quy định bắt buộc các DN phải mua bảo hiểm thiên tai cho người lao động để người lao động an tâm làm việc. Tuy nhiên một số đại biểu lại lo lắng việc bắt buộc phải bảo hiểm thiên tai sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho DN nên cần xem xét cụ thể, vì người lao động đã có bảo hiểm tai nạn lao động rồi.

Dự báo sai phải chịu trách nhiệm

“Tôi đề nghị bổ sung vào Điều 24 của Dự thảo luật một quy định về yêu cầu, chất lượng của dự báo, cảnh báo thiên tai. Thực tiễn, thời gian vừa qua cho thấy đã không ít lần những dự báo, cảnh báo thiếu chính xác của các cơ quan khí tượng thủy văn đã gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Bổ sung quy định này sẽ giúp nâng cao hơn nữa ý thức và trách nhiệm của cơ quan liên quan trong vấn đề dự báo, cảnh báo thiên tai”.

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng)

“Trong thời gian gần đây, ngoài các bản tin dự báo chính xác, cũng có các dự báo thiếu chính xác gián tiếp gây ra những thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, khi xác định trách nhiệm của các cơ quan đưa vào dự báo cảnh báo về thông tin của mình đưa ra quyết định. Vì vậy, cần bổ sung điều "cơ quan chủ trì dự báo nêu trên chịu trách nhiệm về nội dung cảnh báo, dự báo của mình đưa ra".

ĐB Đinh Công Sỹ (Sơn La)

Lê Hân


Nguồn: danviet.vn

Link: http://danviet.vn/141460p1c24/50-trieu-nguoi-dong-quy-thien-tai.htm

No comments:

Post a Comment