Friday, June 14, 2013

Bảo tồn biển và những chồng chéo

 Áp dụng công nghệ tiên tiến nào trong nghiên cứu biển để mang lại lợi ích cho người dân địa phương và đóng góp cho chính sách xóa đói giảm nghèo quốc gia? Cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam đang đối diện với thách thức này trong khi những nhà quản lý lại sốt ruột vì cách quản lý chồng chéo các khu bảo tồn biển… 


Đảo Lý Sơn biển xanh nắng vàng


Không thể "nghiên cứu biển thuần túy”


Các nhà khoa học Việt Nam đã tự nguyện đối mặt với thách thức này bằng cách đảm nhận nhiều công trình nghiên cứu kỹ thuật về địa chất biển và ven biển, chất lượng nước, kiểm kê hệ động, thực vật biển và nghiên cứu các hệ thống sản xuất nuôi trồng thủy, hải sản đối với những loài có giá trị kinh tế.


Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học thuần túy về thủy, hải sản hay về chất lượng nước hoặc về hải dương học sẽ không thể giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện cuộc sống và có lợi cho ngư dân nghèo.


Điển hình là tại phá Tam Giang ở Thừa Thiên - Huế, do đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản lại dẫn đến thực trạng một số hộ ngư dân chiếm các vùng lớn trên đầm phá để nuôi một số loài thủy sản. Các hộ nghèo do không có diện tích trên đầm phá hay những người không thể đầu tư mua lưới đắt tiền nên không thể tự do đánh cá trong đầm như trước. Các thủy vực tự do đã biến mất, những người nghèo buộc phải ra đi hoặc kiếm sinh kế khác.


Rõ ràng, các nghiên cứu khoa học thuần túy về thủy, hải sản hay về chất lượng nước hoặc về hải dương học sẽ không thể đưa lại chất lượng như ý nếu thiếu các thông tin về các vấn đề của người dân, những rủi ro họ gặp phải. Cách tiếp cận nghiên cứu có sự tham gia của cộng đồng mới thực sự hữu dụng, tạo được niềm tin và sự hiểu biết giúp ngư dân tăng khả năng sử dụng kiến thức một cách hiệu quả.


Đó cũng là lý do các khu bảo tồn biển được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đặc biệt, tạo điều kiện cho cộng đồng hưởng lợi và tham gia bảo vệ các khu bảo tồn khi lực lượng chuyên trách quản lý khu bảo tồn hiện nay còn hạn chế. Nhưng sự chồng chéo trong văn bản luật quy định về quản lý các khu bảo tồn biển đang làm khó cả cho nhà nghiên cứu và quản lý tổng hợp biển.


Chồng chéo nhìn từ Lý Sơn


Lý Sơn là một huyện đảo của Quảng Ngãi cách đất liền khoảng 15 hải lý trên con đường biển từ Bắc vào Nam ngay cửa ngõ Khu Kinh tế Dung Quất, có các hệ sinh thái điển hình. Bảo vệ tính đa dạng sinh học trên đảo và vùng biển quanh đảo này là hết sức cần thiết nhưng hơn hai thập niên qua, độ đa dạng sinh học vùng biển quanh đảo Lý Sơn bị suy giảm nghiêm trọng, do nạn khai thác hải sản bằng thuốc nổ và nhiều loại phương tiện hủy diệt khác. Việc khai thác cát biển để trồng hành, tỏi đã làm cho bờ biển quanh đảo thường xuyên bị sạt lở, diện tích tự nhiên ngày càng bị thu hẹp.


Khu bảo tồn biển Lý Sơn nếu được thành lập và quản lý hiệu quả sẽ tăng sức hấp dẫn với khách du lịch. Những sản phẩm đặc sản của địa phương như hành, tỏi Lý Sơn, cua đá, cua huỳnh đế, hải sâm, nhum… cũng có cơ hội quảng bá mang lại lợi ích kinh tế rất lớn. Song dù đã có trong Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu bảo tồn biển này vẫn đang chờ Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Viện Kỹ thuật biển lập quy hoạch chi tiết.


"Theo Luật Đa dạng sinh học và Nghị định số 65/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết một số điều Luật Đa dạng sinh học thì UBND tỉnh có trách nhiệm lập, thẩm định và trình HĐND cùng cấp thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, Quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện đang được Bộ NN&PTNT tổ chức lập, cần phải được bàn giao về cho UBND tỉnh Quảng Ngãi thẩm định để trình HĐND tỉnh phê duyệt” - Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo Quảng Ngãi Đỗ Ngọc Vinh kiến nghị.


Cả nước hiện có 4 khu bảo tồn biển nằm trong mạng lưới khu bảo tồn quốc gia và 5 khu bảo tồn biển độc lập được các địa phương quản lý. Văn bản hỗ trợ tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật cho đầu tư xây dựng khu bảo tồn biển cấp quốc gia và cấp tỉnh cũng thiếu.


Hiện nay cả Luật Thủy sản quy định về quản lý khu bảo tồn biển và Luật Đa dạng sinh học đều quy định về quản lý bảo tồn biển. "Hai luật cùng quy định quản lý chuyên ngành thì phải làm rõ việc quản lý các khâu bảo tồn biển luật nào quy định và có văn bản hướng dẫn cụ thể, đừng để chồng chéo giữa 2 luật” - ông Đỗ Ngọc Vinh nói.


Một khi cách thức quản lý khu bảo tồn biển chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cũng như quy hoạch, quản lý hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam chưa rõ ràng, mục tiêu xây dựng thương hiệu biển và phát triển kinh tế biển bền vững vẫn còn nhiều thách thức.

Kim Liên

Nguồn: daidoanket.vn

Link: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=65750&menu=1422&style=1

No comments:

Post a Comment