Wednesday, June 12, 2013

ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Bộ trưởng cần mạnh mẽ hơn...

 TP - Phát biểu sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, giải pháp của Bộ trưởng Phát “hiền quá” , và rằng, Bộ trưởng cần “mạnh mẽ hơn” trong những kiến nghị hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát và ĐBQH Trần Hoàng Ngân trao đổi bên lề phiên chất vấn chiều 12/6/2013. Ảnh: Hồng Vĩnh . 

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát và ĐBQH Trần Hoàng Ngân trao đổi bên lề phiên chất vấn chiều 12/6/2013. Ảnh: Hồng Vĩnh .

 Lúa đầy đồng, cá đầy ao nhưng... chờ người mua 

Trước khi đặt câu hỏi, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhận xét, trong thời gian qua ngành nông nghiệp và nông dân Việt Nam đã đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, có công lao lớn trong kiềm chế lạm phát.

ĐB Trần Hoàng Ngân phát biểu chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát. Anh: Hồng Vĩnh.

Nhưng nông dân đang bị lỗ kép, doanh thu suy giảm nghiêm trọng mà chi phí đầu vào và chi phí tiêu dùng đều tăng. “Bộ trưởng cho biết, giải pháp mới nhất, đột phá nhất giúp nông nghiệp phát triển bền vững, nông dân thoát nghèo là gì?”- ĐB Ngân hỏi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trong khó khăn hiện nay càng thấy rõ hơn những vấn đề và nguyên nhân đặt ra đối với ngành. “Giải pháp đột phá là triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp.

Do vậy, Bộ đã xây dựng đề án tái cơ cấu nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Đề án này đã được Thủ tướng phê duyệt và sẽ triển khai sớm trong toàn ngành” - Ông Phát trả lời.

Về đề xuất của ĐB Trần Hoàng Ngân là Chính phủ cần hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, khó khăn lớn nhất của ngành hiện là thị trường.

“Lúa đang chín đầy đồng khắp từ Nam tới Bắc, trái cây, lợn gà, cá tra cũng rất nhiều. Nhưng do thị trường gặp khó khăn, giá xuống nên thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - Bộ trưởng Phát nói.

Theo Bộ trưởng Phát, đối với lúa gạo, Chính phủ đã có chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo để giữ giá lúa cho nông dân. Ngay khi có chủ trương này giá lúa đã nhích lên 100 - 200 đồng/kg.

Tôi rất mong Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn trong kiến nghị những giải pháp của mình, phải đốc thúc hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn

ĐB Trần Hoàng Ngân 

Chính phủ cũng chỉ đạo ngành Ngân hàng tăng cường cung cấp tín dụng để nông dân không phải bán vội lúa để trả nợ ngân hàng và mua vật tư. Đây là giải pháp trước mắt. Còn giải pháp lâu dài nằm trong đề án tái cơ cấu. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của Nhà nước cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tôi rất mong Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn trong kiến nghị những giải pháp của mình, phải đốc thúc hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn

ĐB Trần Hoàng Ngân 

 “Bộ trưởng hiền quá!” 

ĐB Trần Hoàng Ngân chia sẻ khó khăn với ngành nông nghiệp nhưng ông băn khoăn “trong giải pháp của mình thì tôi thấy Bộ trưởng còn hiền quá”. Như ngành xây dựng, bất động sản khi gặp khó khăn, thì bộ trưởng, thứ trưởng thường xuyên tổ chức hội thảo, đưa ra nhiều yêu cầu, đề nghị Chính phủ, QH phải có giải pháp hỗ trợ.

“Ngành nông nghiệp, người nông dân vô cùng khó khăn, nhưng tiếng nói của ngành mình còn nhẹ quá. Tôi rất mong Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn trong kiến nghị những giải pháp của mình, phải đốc thúc hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn” - ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

“Như vậy là ĐB Trần Hoàng Ngân đưa ra lời khuyên thôi, Bộ trưởng lưu ý có lời khuyên”- Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chốt lại nội dung chất vấn của ĐB Trần Hoàng Ngân. Bộ trưởng Cao Đức Phát cảm ơn sự quan tâm của ĐB Ngân và chia sẻ thêm: “Tôi chắc là bà con nông dân rất cảm kích trước sự quan tâm của ĐB”.

ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) hỏi, ngành chăn nuôi khó khăn, thị trường trong nước bị cạnh tranh gay gắt, Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới? Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trong thời gian qua bộ thực hiện 3 nhóm giải pháp: Chống dịch cúm gia cầm, tai xanh; tăng cường kiểm soát chất lượng thức ăn và con giống; kiểm soát chống buôn lậu gia cầm. Trong tái cơ cấu ngành sẽ rà soát lại, xác định những loại gia súc phù hợp với từng tiểu vùng, nâng cao năng suất chăn nuôi...

Về công tác bảo vệ rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, tình trạng phá rừng vẫn xảy ra gay gắt ở nhiều nơi mặc dù số vụ có giảm. Ông Phát cho biết, trong một số vụ phá rừng cũng có liên quan cán bộ kiểm lâm. “Thời gian qua chúng tôi đã luân chuyển 815 cán bộ, kỷ luật 127 người, buộc thôi việc 7 người”- Bộ trưởng Phát cho biết.

 Nông dân trồng lúa chưa được lãi 30% 

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho biết, giá lúa ngày càng sụt giảm và chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT có giải pháp gì để mua lúa tạm trữ cho nông dân hiệu quả, bởi DN nói đã mua hết lúa trong khi nông dân cho rằng DN mua chưa hết.

Bà Khá cho rằng, Chính phủ hỗ trợ DN mua 1 triệu tấn quy gạo theo tính toán khoảng 800 tỷ đồng. Vậy người nông dân được hưởng lợi bao nhiêu phần trăm từ chính sách này.

“Trong khi dư luận xã hội đánh giá lợi ích này chủ yếu nằm ở phần gốc nhiều hơn, còn nông dân sản xuất trực tiếp cực khổ thì nằm ở phần ngọn. Nếu nông dân sản xuất trực tiếp được hưởng lợi ít như thế thì có đảm bảo lãi 30% như chủ trương của Chính phủ hay không?”- Bà Khá hỏi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, mua tạm trữ là một biện pháp hỗ trợ thị trường chứ không phải bao tiêu nông sản cho nông dân, nên thời điểm thu mua tạm trữ có thể không phù hợp thời điểm thu hoạch của một số địa phương.

Ông Phát cho biết, DN được cấp tín dụng 7.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, tính ra số tiền hỗ trợ không đến con số 800 tỷ đồng như ĐB đã nêu. Còn nông dân được lợi chính nhờ giá lúa tăng lên. “Với 1 triệu tấn lúa bán lúc giá tăng thì nông dân được hưởng lợi 100- 150 tỷ đồng”- Ông Phát nhẩm tính. Mặc dù giá lúa đã nhích lên nhưng nông dân vẫn chưa được lãi 30% như mong đợi.

 Tăng chất lượng nông sản là nhiệm vụ hàng đầu  

Trả lời ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) về việc chuyển rừng làm thủy điện nhưng DN chưa trồng thay thế đủ diện tích, tỷ lệ cây sống có nơi chỉ 60%, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, thời gian qua các DN thực hiện chưa nghiêm túc việc trồng rừng thay thế. Khó khăn chính của DN là không bố trí được diện tích đất. Bộ đã cùng địa phương rà soát quy hoạch để hướng dẫn DN.

“Đề nghị Chính phủ cho phép DN gặp khó khăn về đất đai được nộp tiền vào ngân sách để phân bổ cho địa phương khác có đất để trồng rừng”- Ông Phát kiến nghị.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) thì lo ngại sản xuất nông nghiệp phụ thuộc giống từ nước ngoài và chất vấn “chúng ta đã chủ động được bao nhiêu phần trăm các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp?”

Ông Phát thừa nhận, đúng là có một số mặt hàng Việt Nam chất lượng thua kém so với các nước sản xuất nông nghiệp. “Chính vì thế chúng tôi thấy rằng tập trung nâng cao chất lượng nông sản là nhiệm vụ chính của ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Đó là mục tiêu trong đề án tái cơ cấu của ngành”- Bộ trưởng Phát nói.

Liên quan đến chất vấn của ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) về Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 & 6A, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, đã vào tận nơi kiểm tra dự án. Quan điểm của Bộ là nên hạn chế lấy đất rừng tại khu vực đã được quy hoạch.

Hà Nhân


No comments:

Post a Comment