Wednesday, June 12, 2013

Cần có quy tắc trả lời chất vấn

 (HQ Online)- Thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội cần tiếp tục được đổi mới như thế nào để nâng cao hơn nữa hoạt động chất vấn? Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, Ngân sách của Quốc hội, ĐB Quốc hội TP. Hải Phòng về vấn đề này. 

ĐB Lê Thanh Vân.

  Sáu bộ trưởng và trưởng ngành có phiên đăng đàn tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII đã có báo cáo gửi tới Quốc hội về những công việc đã thực hiện kể từ sau kỳ họp thứ tư. Ông có đánh giá gì về chất lượng của những báo cáo này?  

Các bộ trưởng đăng đàn kỳ họp thứ tư đã trả lời khá đầy đủ về việc thực hiện các lời hứa của mình, trong đó mỗi bộ có nêu ra những thuận lợi và khó khăn của ngành, đồng thời nêu ra hướng giải quyết những yêu cầu của ĐB Quốc hội, lời hứa mà Bộ trưởng đã cam kết trước Quốc hội. Tôi cho rằng, trước tình hình khó khăn có nhiều yếu tố khách quan thời gian vừa qua, sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ rất cần được ghi nhận.

Nhìn chung các bộ đã nỗ lực thực hiện những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nếu là yếu tố chủ quan, tôi cho rằng những gì thuộc về thể chế, bộ máy cần phải tiếp tục chấn chỉnh. Việc ban hành chính sách thời gian vừa qua có nhiều vấn đề chưa ổn, dư luận xã hội đã lên tiếng nhiều lần về chính sách “trên trời” của các bộ. Điều này là do có thể, bộ trưởng không đủ thời gian để đi thực tế cuộc sống, nhưng bộ máy của bộ đó thì không thể quan liêu.

Đội ngũ giúp việc cho bộ trưởng làm các dự thảo không thể hàng ngày đến cơ quan ngồi phòng máy lạnh, hết giờ là lại về nhà ngồi phòng máy lạnh, mà phải tiếp cận với đời sống thường nhật của người dân. Khi ký quyết định ban hành một văn bản được thực hiện bởi bộ máy quan liêu như vậy mà bộ trưởng quá tin tưởng vào cấp dưới, không kiểm tra gì thì sẽ mất điểm trước nhân dân, trước Quốc hội.

Với vị trí là "tư lệnh ngành", trong phạm vi của mình thấy bất cập gì phải lập tức xử lý thật thấu đáo. Thí dụ như ban hành chính sách "trên trời", không trả lời được bài toán thực tiễn đặt ra thì đấy là trách nhiệm của bộ trưởng, đó là thể hiện năng lực và tầm nhìn của bộ trưởng.

Xử lý bộ máy nhũng nhiễu, tha hóa cũng trong phạm vi quyền hạn, bộ trưởng phải dẹp bỏ ngay. Nếu không làm được tức là bộ trưởng yếu kém. Tất cả những vấn đề ấy, ĐB Quốc hội có nhiều kênh thu thập thông tin để đánh giá. Nếu bộ trưởng không giải quyết được những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình thì ĐB có quyền thẩm định và đánh giá.

  Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng để nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, khi trả lời chất vấn một vấn đề Quốc hội cần mời các bộ trưởng liên quan đến vấn đề đó và Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề để có câu trả lời toàn diện và đến cùng?  

Đương nhiên trong quá trình điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội có mời những bộ trưởng có liên quan trả lời hỗ trợ, ví dụ như khi nói đến vấn đề tiêu thụ nông sản thì không chỉ là trách nhiệm của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà còn cần sự phối hợp của Bộ Công Thương và nếu nói đến chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng thì lại cần đến sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, nếu là những vấn đề liên quan đến những chính sách chi phối tác động đến nhiều bộ liên quan đến vấn đề này là trách nhiệm của Chính phủ nên cần Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề đó trả lời. Đó là một thông lệ mà chúng ta vẫn tiến hành.

  Nhưng thưa ông, việc làm mang tính thông lệ ấy có nên đưa thành một quy định bắt buộc không, bởi vì lời hứa của một bộ trưởng thì chỉ ở trong một lĩnh vực mà cử tri đang trông chờ sự giải quyết rõ vấn đề?  

Chúng ta đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm quy trình hoạt động ở Quốc hội. Ở nhiều nước đã có một bộ quy tắc ứng xử với mỗi hành vi trong kỳ họp, còn ở nước ta thì chưa có. Chúng ta có nội quy kỳ họp Quốc hội và trong từng vấn đề, từng hoạt động thì Quốc hội đang xây dựng quy chế. Thí dụ như việc lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi Quốc hội ban hành một văn bản riêng.

Tương tự như vậy thì chất vấn và trả lời chất vấn tuy đã được quy định ở Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, nội quy kỳ họp Quốc hội, nhưng những điểm mới trong mỗi kỳ họp đang dần dần được tổng kết và trong tương lai không xa có thể sẽ phải đưa nó vào một quy tắc trả lời chất vấn.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà hiện tại chúng ta không có cơ sở xác định, bởi hai kỳ họp gần đây thì Quốc hội đã ra Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trách nhiệm xử lý các công việc mà bộ trưởng đã nêu, đã cam kết trước Quốc hội. Tôi cho rằng, điều này đang dần đi đến một bộ quy tắc chuẩn mực về ứng xử của ĐB Quốc hội và bộ trưởng tại mỗi phiên chất vấn.

  Xin cảm ơn ông.  

 Hồ Huệ  (thực hiện) 


No comments:

Post a Comment