Thursday, June 6, 2013

Giải thể thanh tra xây dựng: Hàng ngàn 'công chức' ra đường?

 Nghị định 26 vừa được Chính phủ ban hành nhằm kiện toàn lại lực lượng thanh tra xây dựng (TTXD) một cách chính quy, đồng bộ, xóa bỏ lực lượng TTXD cấp quận, huyện, phường, xã và tập trung đầu mối TTXD cấp sở và bộ. Tuy nhiên, dù Nghị định đã có hiệu lực từ ngày 15/5 nhưng hàng ngàn TTXD đang lo lắng chưa biết sẽ đi đâu, về đâu... 

 Nhiều người lo thất nghiệp 

Đến thời điểm hiện tại, lực lượng TTXD trên toàn địa bàn TP.Hà Nội là hơn 1.700 cán bộ. Trong đó, mỗi phường có từ 3 đến 4 cán bộ, còn mỗi xã có trung bình từ 2 đến 3 cán bộ TTXD. Được biết, để được tuyển dụng, TTXD cũng phải qua các kỳ thi do sở Nội vụ tổ chức, thành phố ra quyết định công nhận.

  

 Thanh tra xây dựng tại một vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội (ảnh: Nguyễn Khánh). 

Theo Nghị định 26 mới ban hành và có hiệu lực từ 15/5 thì TTXD sẽ chỉ tồn tại ở hai cấp sở và bộ. Điều này đồng nghĩa TTXD cấp xã phường, quận, huyện bị dồn về một cấp như Thanh tra giao thông hoặc chuyển sang làm lĩnh vực khác. Với lực lượng TTXD đông như hiện nay thì việc nhiều người lo lắng thất nghiệp hoặc không được làm việc đúng chuyên môn là điều dễ hiểu. Tại cuộc họp bàn về Đề án sắp xếp, bố trí lực lượng TTXD trên địa bàn Hà Nội diễn ra chiều 27/5 vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng. Hiện tại, TTXD cấp xã, phường đang hỗ trợ UBND xã, phường làm công tác địa chính, tài nguyên môi trường, còn lực lượng TTXD cấp huyện, quận chưa có công việc mới.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Chu Văn Đức - chánh Thanh tra xây dựng huyện Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: "Toàn huyện Từ Liêm có 100 cán bộ thanh tra xây dựng, hiện tại theo Nghị định 26, 20 người sẽ chuyển lên cấp Sở, Bộ còn 80 người vẫn đang phải đợi phân công công việc mới. Từ khi Nghị định 26 có hiệu lực từ ngày 15/5, do chưa có công việc mới, các anh em vẫn triển khai làm việc như cũ. Tuy nhiên, mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã họp và yêu cầu thu con dấu, văn bản liên quan đến TTXD nên anh em tạm thời phải dừng công việc".

"Theo đề án, ngoài lực lượng được phân công công việc lên cấp Sở, một số TTXD sẽ chuyển về các xã, phường, còn tại huyện chia thành một số đội quản lý trật tự. Với số lượng TTXD đông như vậy, hiện tại chúng tôi sẽ phải dừng toàn bộ công việc. Điều đó nghĩa là từng ấy cán bộ TTXD chưa có việc làm, chưa biết đi đâu, về đâu...", ông Đức trăn trở.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Dũng - chánh Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy cho biết: "Khi Nghị định có hiệu lực thi hành, lực lượng TTXD sẽ được tổ chức sắp xếp lại, và bỏ đội ngũ TTXD cấp phường, xã. Tại Hà Nội, chúng tôi cũng đưa ra hai phương án: Thứ nhất là chuyển cán bộ thanh tra xây dựng cấp quận lên sở Xây dựng TP.Hà Nội làm việc như Nghị định 26. Phương án 2 là để lại một đội thuộc quản lý của quận. Hiện tại anh em vẫn làm công việc mọi khi để chờ quyết định của UBND TP.Hà Nội. Tuy nhiên việc xóa bỏ lực lượng TTXD đi thì việc quản lý xây dựng ở địa bàn sẽ khó khăn hơn bởi thẩm quyền của đội quản lý trật tự xây dựng sẽ giảm. Do vậy chúng tôi cũng đã đề xuất lên phòng Nội vụ để có những phương án khắc phục".

Theo ý kiến của ông Nguyễn Đình Tĩnh - chánh Thanh tra Xây dựng quận Hoàn Kiếm, phần đông TTXD đang ở diện ký hợp đồng với các xã, phường, nếu thực hiện theo phương án rút lực lượng TTXD về sở Xây dựng quản lý thì không thể "ôm" được hết số lượng này. Nếu TTXD cấp quận, huyện hiện đang trực thuộc UBND cấp quận, huyện sẽ được tổ chức lại thành các đội do sở Xây dựng quản lý, thì hàng ngàn người hiện đang hoạt động ở các đội TTXD cấp phường, xã, thị trấn sẽ đi về đâu.

"Nếu theo phương án hoạt động dưới hình thức đội quản lý trật tự xây dựng như sở Xây dựng đang đề xuất thì chế độ tiền lương sẽ tính như thế nào với những cán bộ đã đáp ứng đủ tiêu chí và đang hưởng lương theo chế độ thanh tra viên?" - ông Tĩnh băn khoăn.

  

 Ông Trần Viết Ngôn, phó chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Đến 10/6 tới đây sẽ hoàn thiện bộ máy và phân công cán bộ đến công việc mới. 

 Vi phạm xây dựng sẽ tăng? 

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thiếu lực lượng TTXD này, thì quản lý trật tự xây dựng đô thị từ cơ sở (xã, phường, huyện, quận) liệu có phát sinh thêm những nguy cơ, bất ổn mà lại không có người trực tiếp xử lý nhanh như hiện nay?

Ông Chu Văn Đức, chánh Thanh tranh Xây dựng huyện Từ Liêm cho biết thêm: Lực lượng TTXD được thành lập theo Quyết định 89 nhiều năm qua hoạt động rất hiệu quả. TTXD huyện Từ Liêm liên tục tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ do bộ Xây dựng, sở Xây dựng tổ chức. Nhiều cán bộ đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc nhằm đáp ứng yêu cầu về bằng cấp, trình độ của một thanh tra viên... Tại nhiều địa phương, chính quyền rất lo lắng các đối tượng sẽ lợi dụng lúc "tranh tối, tranh sáng" khiến vi phạm trật tự xây dựng bùng phát.

Bàn về việc có nên duy trì cán bộ TTXD cấp quận, huyện, phường xã như trước, theo ông Phạm Gia Yên, chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, việc thí điểm thành lập lực lượng TTXD cấp quận, huyện, xã, phường tại Hà Nội và TP.HCM đã thực hiện hơn 5 năm. Báo cáo tổng kết của hai TP. này khẳng định các lực lượng trên đã hoạt động hiệu quả trong quản lý trật tự xây dựng. Bộ Xây dựng cũng thống nhất ý kiến trên trong báo cáo gửi Chính phủ. Nhưng tới nay thời gian thí điểm đã kéo dài, trong khi luật Thanh tra quy định TTXD chuyên ngành chỉ có hai cấp là cấp bộ và cấp sở. Vì vậy Nghị định không thể quy định khác.

Ông Yên cũng cho hay, ngoài tổ chức điều hành, khác biệt căn bản nhất sau Nghị định 26 là các cá nhân thuộc lực lượng thanh tra chuyên ngành xây dựng của Sở được bố trí ở quận, huyện hoặc xã, phường phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật: Là kỹ sư chuyên ngành xây dựng, cử nhân kinh tế, cử nhân luật và một số chuyên ngành khác.

Trả lời PV, ông Trần Viết Ngôn, phó chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Để khắc phục những khó khăn trước mắt, lực lượng TTXD cấp quận, huyện, phường, xã sẽ vẫn ổn định hoạt động. Đợi đến khi hoàn thiện bộ máy sẽ phân công cán bộ đến công việc mới. Dự kiến đến ngày 10/6 sẽ hoàn thiện xong".

"Sở sẽ có hai phương án về bố trí lại lực lượng TTXD. Thứ nhất ở cấp quận, huyện sẽ thành lập các đội trật tự đô thị, trực thuộc UBND quận, huyện quản lý. Phương án này được nhiều quận, huyện ủng hộ nhưng cần phải xem xét kỹ sao cho đúng với Nghị định vừa ban hành. Phương án hai, trong số hơn 1.700 TTXD hiện nay, ai đủ tiêu chuẩn thì đưa về sở Xây dựng. Tuy nhiên, sở phải có đề xuất cần bao nhiêu người chứ không thể đưa hết về được. Còn lại một số sẽ đầu quân vào các phòng, ban thuộc quận, huyện vì hằng năm đều có tuyển. Đối với TTXD hiện nay dưới dạng hợp đồng thì sẽ phải chấm dứt hợp đồng lao động", ông Ngôn nói.

 Duy trì hoạt động của TTXD đến khi tổ chức lại 

Lo ngại tâm lý "rã đám" của lực lượng TTXD trong khi chờ sắp xếp, tổ chức lại, ông Trần Đức Học, phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã phải "thiết tha đề nghị" các cán bộ TTXD tiếp tục duy trì hoạt động bình thường, hiệu quả với đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 89/QĐ-TTg. Sau thời điểm Nghị định 26 có hiệu lực, lực lượng vẫn tiếp tục tạm thời tồn tại nhưng chức năng, quyền hạn phải tạm dừng vì nếu thực hiện là sai luật. Khi đó, lực lượng này sẽ là giúp chính quyền quận, huyện, phường, xã trong quản lý trật tự xây dựng, báo cáo ngay khi có vi phạm phát sinh. UBND TP.Hà Nội cũng đã giao sở Xây dựng sớm hoàn tất việc lập Đề án bố trí lực lượng TTXD theo Nghị định 26/2013/NĐ-CP và quy chế phối hợp giữa lực lượng TTXD với chính quyền cơ sở.

 Cao Tuân 


Nguồn: www.nguoiduatin.vn

Link: http://www.nguoiduatin.vn/giai-the-thanh-tra-xay-dung-hang-ngan-cong-chuc-ra-duong-a84458.html

No comments:

Post a Comment