Thursday, June 6, 2013

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống thiên tai

 (GD&TĐ) - Dự thảo Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai là nội dung trọng tâm được các đại biểu Quốc hội tập trung xem xét, thảo luận trong cả phiên làm việc toàn thể tại Hội trường sáng ngày 6/6. Phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). 

  

 Xử phạt nếu đưa thông tin sai về thiên tai 

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) phát biểu ý kiến tại nghị trường Quốc hội

Tập trung vào các quy định liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về phòng, chống thiên tai, đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) nhấn mạnh: Cơ quan chủ trì dự báo thiên tai cần phải có trách nhiệm trong chỉ đạo đưa thông tin về dự báo thời tiết, giảm nhẹ thiên tai. Nếu dự báo, đưa thông tin sai về thiên tai thì phải bị xử phạt, tùy theo mức độ ảnh hưởng của thông tin gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân. Đại biểu Triệu Là Pham (đoàn Hà Giang) cũng nêu ý kiến, ngoài trách nhiệm về dự báo, cảnh báo sai về thiên tai, các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm đảm bảo phòng, chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Cần thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai 

Cũng tán thành sự cần thiết phải thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai để thực hiện trong công tác phòng, chống thiên tại ở các địa phương một cách hiệu quả hơn, nhưng thay vì yêu cầu sự đóng góp bắt buộc của người dân, đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (đoàn Ninh Bình) đề xuất Quỹ nên thực hiện theo tính chất xã hội hóa, huy động nguồn lực của tổ chức, cá nhân đóng góp. Khi có Quỹ Phòng, chống thiên tai rồi, các địa phương phải có trách nhiệm trong chi tiêu, thống kê nguồn đóng góp một cách cụ thể, rõ ràng cho các hoạt động phòng, chống thiên tai. Một số đại biểu khác lại cho rằng, việc yêu cầu cả xã hội đóng góp cho Quỹ là cần thiết, thay vì vận động theo hình thức tự nguyện sẽ không khả thi.

 Cũng trong ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB & XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật Việc làm. Một trong những nội dung đáng quan tâm trong Tờ trình là vấn đề Bảo hiểm thất nghiệp. 

 Theo đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp điều chỉnh mọi đối tượng là người lao động (bao gồm cả người lao động không có quan hệ lao động). Đối với người lao động không có quan hệ lao động sẽ được thực hiện theo cơ chế tự nguyện tham gia bảo hiểm thất nghiệp và giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ, mức đóng, mức hỗ trợ, phương thức đóng, thời gian đóng, trình tự thủ tục và lộ trình thực hiện. 

 Khánh Sơn 


Nguồn: giaoducthoidai.vn

Link: http://giaoducthoidai.vn/channel/3002/201306/ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xiii-de-cao-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-trong-phong-chong-thien-tai-1969835/

No comments:

Post a Comment