Wednesday, June 12, 2013

Lãng phí là có tội

 Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội. Tại phiên thảo luận về giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 – 2012, nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi tại hội trường đã rất đau xót khi từng đồng thuế của nhân dân bị vung vãi không thương xót. Có ĐBQH còn thẳng thắn nói: Tới đây, sửa Bộ luật Hình sự và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tôi mạnh dạn đề nghị phải bổ sung: tội gây lãng phí thành một tội phạm hình sự. Không cần tham ô, chỉ cần gây lãng phí, có thể là tùy theo tính chất mức độ sai phạm mà cho hình phạt tù, không giảm án ra tù và bằng mọi giá phải truy tìm bằng được các tài sản thất thoát, thu hồi lại cho Nhà nước và dân. 

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào cuộc sống từ năm 2005, nhưng lãng phí vẫn là căn bệnh trầm kha. Do vậy, chống lãng phí cần được thực hiện ở một cấp độ mới, cao hơn, quyết liệt hơn và trước hết là việc thay đổi tư duy của người dân và cả xã hội đối với tệ nạn này. Đã đến lúc phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng lãng phí ở nước ta đã đến mức báo động đỏ. Thay vì coi lãng phí như một thứ tệ nạn xã hội, một biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, cần nhìn nhận lãng phí là tội ác, là quốc nạn. Bởi thực tế, lãng phí lan tràn trên diện rộng đã và đang gây ra những hệ lụy không thể đo đếm cho sự phát triển của đất nước. Hình thành thói quen tiết kiệm trong mỗi người dân, xây dựng một xã hội tiết kiệm có lẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để chống lãng phí. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phải là bủn xỉn, mà những việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc thì bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng". Nếu mỗi người đều học và làm theo Bác sẽ tạo được một thói quen tiết kiệm. Cũng như phòng chống tham nhũng, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm đòi hỏi những giải pháp cấp bách và lâu dài. Đặc biệt, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan nhà nước và sự đồng thuận của người dân trong việc tẩy trừ tệ nạn này. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chống lãng phí, thực hành tiết kiệm gắn với cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và người dân thì việc điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản quốc gia cần phải được coi là nhiệm vụ cấp bách. Bên cạnh đó là tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công, hoạt động của các tổ chức tín dụng... Và một vấn đề không kém phần quan trọng là phải nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ công chức - những người được trao trách nhiệm về quản lý nhà nước. Bởi nhiều khi chính sách được ban hành đúng, nhưng người thừa hành không có đủ năng lực triển khai. Căn bệnh của nhiều công chức hiện nay là không am tường công việc và không dám chịu trách nhiệm. Thay vì phải quyết một công việc thuộc về trách nhiệm của mình, họ đưa vấn đề ra bàn bạc và lấy ý kiến số đông. Họp hành liên miên, lãng phí thời gian, chính sách không được triển khai có hiệu quả lại thêm một lần lãng phí.

Tham nhũng bị liệt vào tội phạm. Nhưng kết tội tập thể, cá nhân cơ quan nhà nước lãng phí rất khó, dù hậu quả của nó rất nặng nề. Còn thói lãng phí của người dân thì không thể kết tội. Không có luật lệ nào kết án những người lãng phí của cải do chính họ làm ra. Thảo luận tại các đoàn ĐBQH về sửa đổi dự thảo sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho thấy đa phần ý kiến đề xuất cần phải quy rõ trách nhiệm cho ai phải chịu trách nhiệm về những lãng phí, không nói chung chung kiểu “cha chung không ai khóc”.

Hãy chống lãng phí từ việc thay đổi tư duy và lối sống để góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức và văn hóa ứng xử mới phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.

 Xuân Trường 


No comments:

Post a Comment