Tuesday, June 11, 2013

Lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố

 (SGGPO).- Sáng nay, 12-6, với 89,76% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống khủng bố. 

Theo luật này, Nhà nước lên án và nghiêm trị mọi hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố; sử dụng đồng bộ các biện pháp để tổ chức phòng, chống khủng bố; tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống khủng bố. Luật quy định việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố ở 2 cấp. Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố quốc gia, với Bộ Công an là cơ quan thường trực và có cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách. UBND cấp tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố cấp tỉnh. Luật cũng quy định về lực lượng chống khủng bố gồm: các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố; các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố.

Về quy định “người chỉ huy chống khủng bố là người được cấp có thẩm quyền quyết định”, qua thảo luận một số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ “cấp có thẩm quyền” là chủ thể nào hoặc chỉ rõ là “Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố”. Một số kiến cho rằng nhóm chủ thể thì không rõ ai là người có trách nhiệm chỉ huy chống khủng bố, có thể dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm; đề nghị quy định người đứng đầu trực tiếp ở nơi xảy ra khủng bố có trách nhiệm chỉ huy chống khủng bố hoặc giao cho Trưởng Công an cấp huyện chỉ huy chống khủng bố trong trường hợp này. Về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh cho biết, khi các vụ khủng bố xảy ra, tùy theo tính chất, mức độ, quy mô mà quyết định phân công người chỉ huy và các lực lượng chống khủng bố cho phù hợp. Hiện nay đã có một số quy định về thẩm quyền quyết định, thẩm quyền chỉ đạo, chỉ huy giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo các cấp độ, quy mô khác nhau. Trong Luật này không quy định cụ thể người có thẩm quyền quyết định phân công người chỉ huy chống khủng bố mà giao Chính phủ quy định, hướng dẫn để bảo đảm đầy đủ, cụ thể và phù hợp với các quy định hiện hành.

Có ý kiến đề nghị không nên quy định các biện pháp chống khủng bố cụ thể trong luật, nhất là biện pháp “thương thuyết với đối tượng khủng bố”; có ý kiến đề nghị cân nhắc biện pháp “phá, dỡ nhà, công trình xây dựng”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Khoa cho biết, biện pháp “thương thuyết với đối tượng khủng bố” , “phá, dỡ nhà, công trình xây dựng ” là 2 biện pháp đã được đúc rút kinh nghiệm trong thực tế xử lý tình huống khủng bố ở nước ta và kinh nghiệm của quốc tế, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định 2 biện pháp này trong luật. Để bảo đảm chặt chẽ, tránh lạm dụng khi áp dụng các biện pháp khẩn cấp chống khủng bố, luật đã giao Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp này, trong đó đã bao hàm cả việc xác định mức độ khẩn cấp của tình huống để quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp chống khủng bố.

Luật có riêng 1 chương quy định về chống tài trợ khủng bố. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan và các tổ chức, cá nhân khác khi phát hiện dấu hiệu, hành vi tài trợ khủng bố phải kịp thời báo cho lực lượng chống khủng bố. Lực lượng chống khủng bố có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ tin báo, tố giác về tài trợ khủng bố, nhanh chóng xử lý thông tin, báo cáo cấp có thẩm quyền và Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố có thẩm quyền; trong trường hợp phát hiện tài trợ khủng bố đã, đang hoặc có căn cứ để cho rằng sẽ xảy ra thì được áp dụng ngay biện pháp khẩn cấp chống khủng bố. Tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng; khi có nghi ngờ khách hàng hoặc giao dịch của khách hàng liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc khách hàng nằm trong “danh sách đen” thì báo cáo cho lực lượng chống khủng bố của Bộ Công an, đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước và phải áp dụng các biện pháp tạm thời theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; thảo luận về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào.

Chiều nay, Quốc hội bước vào chương trình chất vấn và trả lời chất vấn. Trước phiên họp, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền sẽ trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII; Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.

 HÀM YÊN 


Nguồn: sggp.org.vn

Link: http://sggp.org.vn/chinhtri/2013/6/320811/

No comments:

Post a Comment