Wednesday, June 12, 2013

Lấy phiếu tín nhiệm - và sau đó

 (TBKTSG) - Sau không khí hào hứng xen lẫn băn khoăn, lo lắng khi các đại biểu Quốc hội lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, đã không có ai bị trên hai phần ba đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” nên không xảy ra chuyện bỏ phiếu tín nhiệm ngay sau đó. Các con số kết quả cũng phần nào cho thấy tình hình khó khăn của nền kinh tế khi phải đương đầu với nhiều thử thách cùng lúc, các vai trò đứng mũi chịu sào được chú ý nhiều hơn, sự đánh giá gắn liền với thực tế của nền kinh tế và đời sống xã hội. 

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Vì thế, vấn đề không chỉ quan trọng ở các con số kết quả của cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần này; vấn đề là chúng ta, những cử tri, sẽ thấy những hành động gì trong một năm sắp tới, phản ánh được hiệu ứng tích cực từ việc lấy phiếu tín nhiệm.

Cử tri cả nước hy vọng các đại biểu của mình, bằng lá phiếu đã thúc đẩy các quan chức lãnh đạo có trách nhiệm hơn nữa trong lĩnh vực mình phụ trách. Việc đánh giá sẽ dẫn tới những chương trình hành động cụ thể hơn, những quyết đoán sát với thực tế hơn và những phản ứng nhanh nhạy hơn trước yêu cầu của cuộc sống. Sẽ không còn chỗ cho những quan chức “không muốn để lại dấu ấn”, cứ bình bình để mọi chuyện trôi qua, lơ là với chức trách miễn sao không có sai phạm gì lớn.

Liệu cử tri có quyền hy vọng rằng trong một năm sắp tới lãnh đạo các bộ ngành sẽ không còn để xảy ra những sự cố lớn (chẳng hạn tai nạn giao thông liên tục xảy ra, mất điện trên diện rộng, thêm một tập đoàn nhà nước lâm vào cảnh phá sản), không còn việc đổ lỗi cho khách quan, và đặc biệt không còn những hứa hẹn chung chung mà không có cột mốc cụ thể. Quan trọng hơn, liệu chúng ta sẽ chứng kiến một sự chuyển mình trong bộ máy điều hành để đạt được những cột mốc tiến bộ so với trước có thể định lượng được.

Rút kinh nghiệm từ lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được xem là mang lại làn gió mới cho bộ máy nhà nước và Chính phủ, rất nên nhân rộng tác dụng tích cực này sang bộ máy của Đảng. Chúng ta đều biết Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội cho nên nếu có một cuộc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo Đảng, đó cũng là sự đánh giá mức độ tín nhiệm về việc đưa ra các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Việc lấy phiếu tín nhiệm như thế có một thuận lợi lớn: đó là đảng viên hiện nay đều phải tự kiểm điểm đánh giá vào dịp cuối năm. Lấy phiếu tín nhiệm đối với đảng viên lãnh đạo sẽ là sự chính thức hóa quy trình này một cách công khai, minh bạch và rõ ràng hơn thôi.

Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ thông qua đường lối hay sách lược chung; sự lãnh đạo đó còn thể hiện qua nhiều quyết định quan trọng, tác động lên mọi mặt của cuộc sống. Vì thế cũng cần có cơ chế đánh giá sự lãnh đạo ở góc độ này, để như chúng ta đã phân tích ở trên, vấn đề không phải là con số “tín nhiệm” cao hay thấp mà là một sự thúc đẩy tính trách nhiệm trước nhân dân về vai trò lãnh đạo của mình.

Sau khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hay phê chuẩn thì hội đồng nhân dân các cấp cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do hội đồng nhân dân bầu.

Tương tự, thiết nghĩ bên Đảng cũng cần tổ chức cho ban chấp hành các đảng bộ địa phương lấy phiếu tín nhiệm với những chức danh được đảng bộ bầu ra. Có như thế sự lãnh đạo của Đảng mới được đưa vào một quy trình giám sát mà nhiều ý kiến đã đề xuất lâu nay.


No comments:

Post a Comment