Tuesday, June 4, 2013

Mở rộng địa giới, xây nhà máy thủy điện… phải trưng cầu ý dân!

 (PL&XH) -GS.TSKH Đào Trí Úc cho rằng,trưng cầu ý dân (TCYD) có cùng tính chất với điều tra dư luận xã hội nhưng ở mức độ cao hơn. 

Kết quả ý dân có hiệu lực ngay mà không cần phê chuẩn!

Để khởi động việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Trưng cầu ý dân (TCYD), hôm qua (4-6), Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng luật này với sự tham gia của đông đảo các nhà luật học.

Thực ra, Hiến pháp năm 1992 hiện hành đã qui định Quốc hội có quyền TCYD. Tuy nhiên, việc TCYD trên thực tiễn khó thực hiện, cũng xuất phát từ chính qui định của Hiến pháp là “nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và HĐND”, “đồng nghĩa” với việc nhân dân đã ủy quyền cho Quốc hội và HĐND thực hiện quyền lực Nhà nước của mình, mà không giữ lại vấn đề nào để trực tiếp biểu quyết quyết định. Vì vậy, việc xây dựng Luật TCYD theo các đại biểu là phải khắc phục được những hạn chế trên, đưa ra được những qui định cụ thể để tổ chức TCYD, và đảm bảo hiệu lực pháp lý của kết quả trưng cầu dân ý.

GS.TSKH Đào Trí Úc cho rằng, TCYD có cùng tính chất với điều tra dư luận xã hội nhưng ở mức độ cao hơn. Thông qua việc TCYD, những người dân đến tuổi trưởng thành, sẽ thể hiện chính kiến cụ thể trên những vấn đề cần có quyết định dứt khoát sau khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã làm hết sức mình, nhưng chưa tìm ra giải pháp thỏa đáng. Qua TCYD, cơ quan Nhà nước cũng có dịp để “tự kiểm tra” hoạt động, quyết sách của mình. GS Đào Trí Úc nhìn nhận, việc xây dựng Luật TCYD là đòi hỏi của thực tiễn khách quan, và luật ra đời sẽ tạo thêm cơ sở pháp lý mới để thực hiện hóa chế định dân chủ trực tiếp, tạo sự đồng thuận xã hội cần thiết. GS Đào Trí Úc cũng cho rằng, luật phải qui định cụ thể “kết quả TCYD có hiệu lực kể từ ngày công bố, không cần sự phê chuẩn của bất cứ cơ quan Nhà nước nào” và phải được các cơ quan Nhà nước, các tổ chức tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển nhìn nhận, chế định “TCYD” hay lấy ý kiến nhân dân không phải là mới lạ, nhưng vì chưa có luật qui định cụ thể nên ở nước ta chưa thực hiện được cuộc trưng cầu dân ý nào và đây là một hạn chế lớn. Theo ông Khiển, khi đã đưa một vấn đề ra TCYD thì các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể chỉ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện như là bộ máy thư ký giúp việc cho cử tri và kiểm phiếu, công bố kết quả chứ không phải là cơ quan tổng hợp, tập hợp ý kiến của cử tri để nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, càng không có quyền bảo lưu ý kiến của mình.


Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương: “Nếu vấn đề gì cũng trưng cầu ý dân thì cơ quan đại diện để làm gì?”


Việc gì cũng lấy ý kiến dân sẽ làm “vô hiệu” cơ quan đại diện!

PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng, Văn phòng Ban chỉ đạo CCTP Trung ương cho rằng, luật phải đưa ra các qui định đảm bảo cho việc TCYD được thực hiện khách quan, công khai và chính xác chứ không mang tính hình thức. Luật phải cụ thể hóa những vấn đề bắt buộc phải TCYD, vấn đề nào do Quốc hội quyết định trưng cầu và vấn đề nào người dân trình sáng kiến TCYD. Đồng thời, dự liệu được những trường hợp, vấn đề không được đưa ra TCYD và các thủ tục TCYD phải dễ thực hiện để huy động tối đa người dân tham gia.

Đưa ra 9 vấn đề cần làm rõ khi xây dựng Luật TCYD, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, cần có cái nhìn “mềm” hơn về TCYD, và việc TCYD nên qui định ở hai mức độ, với tư cách tư vấn và tư cách phúc quyết. Việc TCYD phải phù hợp với cách nhìn, tập quán, truyền thống, điều kiện của Việt Nam thì mới phát huy được hiệu quả. “Nếu đưa ra quá nhiều vấn đề, việc gì cũng lấy ý kiến nhân dân thì sẽ lạm quyền và cơ quan đại diện làm gì, thậm chí vô hiệu hóa cơ quan đại diện”, ông Khánh nói. Chưa kể, vấn đề gì cũng đem ra lấy ý kiến dân còn dẫn đến không kiểm soát được vì nhiều ý kiến, không tập trung, khó quyết định. Do đó, cần xác định một số vấn đề lớn như xây dựng, sửa đổi Hiến pháp… Theo ông Khánh, đối tượng lấy ý kiến cũng cần làm rõ, không phải là người dân nói chung mà phải tính toán độ tuổi cụ thể. Đồng thời, dự thảo phải nêu được phạm vi lấy ý kiến, cơ quan nào có quyền tổ chức lấy ý kiến, việc ghi nhận kết quả lấy ý kiến như thế nào? “Việc TCYD nên đặt là quyền hay nghĩa vụ, vì nếu là quyền thì có thể tham gia hoặc không, nhưng là nghĩa vụ thì bắt buộc phải tham gia”, ông Khánh nhấn mạnh.

PGS.TS Ngô Huy Cương, Khoa Luật, ĐH Quốc gia băn khoăn Hiến pháp hiện hành qui định nhân dân ủy quyền cho Quốc hội và HĐND thực hiện quyền lực Nhà nước. Nhưng không thể ủy quyền toàn bộ, mà dân vẫn phải giữ lại phần nào đó để mình tự quyết, do đó, “Hiến pháp phải trả lại cho nhân dân phúc quyết những vấn đề như làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, liên quan đến lãnh thổ và biên giới”… Đồng thời, theo ông Cương, kết quả TCYD cần được làm rõ là có tính chất tham khảo hay quyết định và những gì TCYD bắt buộc thì phải đưa vào Hiến pháp. Cùng quan tâm đến phạm vi của các vấn đề sẽ được TCYD, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Trọng Tỵ cho rằng, những vấn đề như xây dựng nhà máy thủy điện, mở rộng địa giới hành chính… ở địa phương nào thì buộc phải TCYD ở địa phương ấy.

Một số ý kiến e ngại Việt Nam thiếu kinh nghiệm TCYD nên có thể dẫn đến khả năng không kiểm soát được khi người dân với lá phiếu biểu quyết của mình có quyền tối cao để quyết định các vấn đề phức tạp. Một số ý kiến khác lại cho rằng để biểu quyết về các vấn đề hệ trọng của đất nước thì công dân phải có trình độ, nắm bắt được thực chất của vấn đề… Song hầu hết các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học đều thống nhất việc ban hành Luật TCYD là cần thiết và cần làm càng sớm càng tốt, vừa giúp người dân thực hiện quyền dân chủ, vừa “hỗ trợ” cho Nhà nước trong điều hành và quản lý xã hội.


Phương Thảo


No comments:

Post a Comment