Friday, June 14, 2013

Nên khuyến khích kết hôn khi đã đủ tuổi

 GiadinhNet - Đoàn công tác của Tổng cục DS-KHHGĐ vừa có chuyến thăm, làm việc tại TP HCM. 

 Tính đến thời điểm này, tại TP HCM 45% trẻ đã được tiếp cận dịch vụ sàng lọc sơ sinh. Ảnh: P.C 

Dịp này, Đoàn đã tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số do ngành Y tế thành phố tổ chức. Tại Hội nghị, một số thành tựu nổi bật đã được chia sẻ, trong đó đáng chú ý là tỷ số giới tính khi sinh của TPHCM từ 123 bé trai/100 bé gái (năm 2003) đã lùi gần đến ngưỡng 106 bé trai/100 bé gái vào năm 2012.

 Duy trì mức sinh thấp hợp lý 

Tính đến thời điểm này tại TPHCM, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng BPTT hiện đại đã đạt khoảng 70%, có 52% thai phụ được cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh (70.000 thai phụ), 45% trẻ được tiếp cận dịch vụ sàng lọc sơ sinh (62.000 trẻ); 5 triệu lượt người trong độ tuổi sinh sản, thanh niên- vị thành niên đã được cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS. Tuy nhiên gần đây, mức sinh tại TP HCM liên tục giảm mạnh (tổng tỷ suất sinh năm 2012 còn 1,51 con). Con số này vừa phản ánh tính hiệu quả của hoạt động DS-KHHGĐ suốt thời gian qua, vừa đặt ra vấn đề khó hơn trong tương lai gần: Thành phố phải làm gì để đạt mức sinh thay thế?

Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân đã khuyến cáo TP HCM không chỉ chuyển hướng hoạt động vào tập trung nâng cao chất lượng dân số mà cần nhìn nhận lại việc duy trì mức sinh thấp hợp lý sao cho tương thích với hoàn cảnh hiện tại. Phó Tổng cục trưởng cũng dẫn ra một số gợi ý cho vấn đề này như khuyến khích các bạn trẻ kết hôn khi đã đủ tuổi hoặc khuyến khích sinh đủ số con đối với những cặp vợ chồng còn trong độ tuổi sinh đẻ.

Dịp này, ngành DS-KHHGĐ TPHCM cũng tổ chức sơ kết hoạt động của Kho dữ liệu điện tử về dân số với những thông tin thực tế chính xác đạt đến 97% so với số liệu báo cáo thủ công. Đoàn công tác nghi nhận những nỗ lực của TP HCM trong việc xây dựng Kho dữ liệu vừa nhanh chóng vừa đạt độ tin cậy cao. Khuyến khích ngành dân số thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành khai thác hiệu quả những công năng của Kho dữ liệu “sống” duy nhất trên cả nước tính đến thời điểm này; Đồng thời ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp nhằm điều chỉnh các nội dung của Pháp lệnh Dân số, hướng đến việc xây dựng Luật Dân số trong thời gian tới.

 Tranh thủ truyền thông dân số khi “cúp” điện  

Thay mặt Đoàn công tác, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân đã chia sẻ cùng Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ hai quận/huyện (Bình Tân và Hóc Môn) hiện đông người lao động nhập cư nhất tại TPHCM: Bình Tân là quận mới thành lập có đông dân nhất tại TP HCM với hơn 600.000 nhân khẩu, trong đó hơn 60% là người lao động nhập cư. Bình Tân còn được biết đến bởi mật độ dân số cao gấp 37 lần so với cả nước và “sở hữu” một phường có đông cư dân nhất nước: Trên 120.000 dân (P. Bình Hưng Hòa A). Cả quận có 10 phường thì không phường nào dưới 40.000 dân. Mặc dù cư dân đông, bộn bề với công tác chăm lo phát triển KT-XH trong bối cảnh quận mới thành lập (năm 2003), song cấp ủy, chính quyền tại đây không hề lơ là với công tác dân số.

Đoàn công tác đã biểu dương các kết quả hoạt động DS-KHHGĐ mà Bình Tân đã đạt được trong năm 2012 cũng như trong 6 tháng đầu năm 2013 bởi hàng loạt chỉ tiêu đạt và vượt, cũng như triển khai đồng bộ các hoạt động nâng cao chất lượng sống của người dân trên địa bàn. Mô hình “Câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ” mà Bình Tân đang thực hiện thời gian qua với 36 CLB đã thực sự tạo ấn tượng mạnh đối với các thành viên Đoàn công tác.Thông qua các CLB này, công tác truyền thông, cung cấp dịch vụ KHHGĐ/chăm sóc SKSS đã đạt hiệu quả tốt.

Trong cuộc làm việc cùng Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ huyện Hóc Môn, Đoàn công tác đã ghi nhận một số cách tiếp cận nhóm đối tượng lao động nhập cư-công nhân mà Hóc Môn đang thực hiện tốt. Cụ thể như ngành y tế-dân số phối hợp Liên đoàn lao động huyện tận dụng giờ cúp điện (có lịch báo trước đó) để tổ chức truyền thông DS-KHHGĐ tại các công ty, xí nghiệp. Hoặc phối hợp tổ chức khám phụ khoa cho chị em công nhân mỗi năm 2 lần tại các xí nghiệp; Hoặc bệnh viện tuyến huyện dành ngày thứ 7 ưu tiên khám-chăm sóc SKSS cho các nữ công nhân…

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân chia sẻ: “Người lao động nhập cư đã hoàn thành các nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách địa phương. Tuy nhiên, thống kê cho thấy họ phải trả chi phí dịch vụ xã hội nói chung cao gấp 2,4 lần cư dân bản địa. Nói cách khác, với sự thịnh vượng mà họ góp phần mang đến cho địa phương mình thì chúng ta nợ người lao động nhập cư nhiều lắm...”.

 Thanh Giang 


Nguồn: giadinh.net.vn

Link: http://giadinh.net.vn/dan-so/nen-khuyen-khich-ket-hon-khi-da-du-tuoi-20130614102340475.htm

No comments:

Post a Comment