Tuesday, June 11, 2013

Người tiếp công dân phải “có tâm, có tầm”

 Chiều 11-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường dự thảo Luật tiếp công dân. Các ý kiến đều tập trung vào nội dung như trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; người đại diện khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền... 

Nhiều ĐB cho rằng hiện nay, trách nhiệm hay thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân được quy định phân tán trong nhiều văn bản khác nhau. Chương tổ chức tiếp công dân trong Luật Khiếu nại, tố cáo hiện nay vẫn chưa bị bãi bỏ. Quy định về thủ trưởng cơ quan nhà nước có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân và tổ chức tiếp công dân. Các quy đinh này chưa đầy đủ, chưa xác định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm tiếp công dân và chưa phân định cụ thể đây là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức hay của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đó.

Vì vậy nhiều ĐB đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể những ai có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân, phân biệt rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân ngay trong dự án luật.

Về việc tiếp công dân của cấp Bộ tại Điều 18, quy định về bộ phận tiếp công dân còn rất chung chung. Quy định có thể thành lập bộ phận tiếp công dân thuộc thanh tra bộ để làm công tác tiếp công dân, mang tính tùy nghi dẫn đến việc có Bộ thành lập, có Bộ không sẽ tạo thành cơ cấu tổ chức không thống nhất. Việc này về lâu dài ảnh hưởng đến hoạt động tiếp công dân và giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Về quy định người đại diện phải là người khiếu nại, tố cáo, người kiến nghị, người phản ánh, các ĐB đề nghị cân nhắc lại quy định này cho phù hợp. Vì pháp luật hiện hành có quy định cơ chế người khiếu nại ủy quyền cho luật sư, người đại diện theo pháp luật khiếu nại thì khi đó luật sư hay người đại diện theo pháp luật không phải là người khiếu nại vẫn có quyền khiếu nại theo nội dung ủy quyền.

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc tiếp công dân của một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, chưa nghiêm túc, thiếu đôn đốc, kiểm tra, còn xảy ra hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh tiếp công dân. Vì vậy dự án Luật Tiếp công dân cần phải quy định cụ thể về quy trình, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc tiếp công dân.

ĐB Trần Thị Khá (Trà Vinh) lại kỳ vọng hơn vào việc lựa chọn người tiếp dân phải “có tâm, có tầm” vì mục đích chính là để dân hiểu đúng chấp hành tốt pháp luật. Bên cạnh đó, trụ sở tiếp công dân và địa điểm tiếp công dân là cần thiết nhưng cũng nên nghiên cứu mô hình phù hợp trên tổng thể không làm tăng biên chế, không phải là một cơ quan quản lý nhà nước độc lập, có con dấu, có tài khoản riêng, tăng cơ sở vật chất gây tốn kém không cần thiết. Ngoài ra, làm rõ quy định người đứng đầu tiếp công dân cơ quan liên quan trực tiếp công dân trong những dịp có sự kiện lớn như đại hội Đảng, giải phóng mặt bằng…, tránh chồng chéo, hình thức.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐB hoàn thiện dự thảo để trình QH vào kỳ họp sau.

 Mai Thoa 


Nguồn: congly.com.vn

Link: http://congly.com.vn/thoi-su/thoi-cuoc/nguoi-tiep-cong-dan-phai-co-tam-co-tam-24065.html

No comments:

Post a Comment