Tuesday, June 11, 2013

Nhìn vào tiêu cực

 Thời gian qua, nhiều vụ bê bối được phanh phui. Ở đó có không ít cán bộ có chức có quyền thoái hóa, biến chất phải ra vành móng ngựa. Nhìn vào những vụ tiêu cực đó, xót xa cho bạc tiền của nước của dân bị tổn thất; căm giận những kẻ sâu mọt, và từ đó câu hỏi được đặt ra: Vì sao lại thế? Tại sao vẫn là con người ấy, hôm trước có nhiều công trạng thì hôm sau đã là kẻ tội đồ? 


"Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây.

Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”- lời Hồ Chủ tịch


Chuyện kể rằng, anh A hỏi anh B: Năm mươi tuổi, đầu bạc cả rồi, vì sao không làm nhà? Ông B trả lời: Vì tôi còn bận làm người nên chưa thể làm nhà.


Nhưng ở đời, nhiều người chỉ nhăm nhăm làm nhà mà quên mất học làm người. Bài học nợ đầm nợ đìa của Vinashin, Vinalines vẫn còn nguyên đó. Đây là những trường hợp điển hình về sự bòn rút của công, không chịu học làm người. Công nghiệp tàu thủy (hay nói đúng hơn là công nghiệp biển Việt Nam) cần được đầu tư mạnh, nhất là trong tình hình này. Chúng ta phải có những hải đội mạnh, phải tự đóng và trang bị cho mình những con tàu vượt đại dương để khai thác tốt vùng biển quốc gia, đồng thời giữ vững chủ quyền biển đảo. Người dân sẵn sàng bớt ăn bớt mặc vì chuyện này nên khi biết ai đó mua những con tàu cũ, những ụ nổi cũ mang về tăng cường cho công nghiệp tàu biển Việt Nam, thì người dân rất phẫn nộ. Những kẻ tội đồ dìm đắm con tàu Vinashin, Vinalines xét cho cùng cũng vì không chế ngự được lòng tham, không chịu học làm người.


Thôi thì cũng là chuyện đã rồi, những ai có tội thì đã chịu tội- vấn đề cốt tử hiện giờ là phải tái cấu trúc triệt để những tập đoàn, tổng công ty lớn từng chọn nhầm cán bộ lãnh đạo. Không phải chỉ vì sự kém cỏi, tiêu cực của bộ máy mà cắt đầu tư, chúng ta không thể không có những "quả đấm thép” của nền kinh tế. Vấn đề là làm sao để những đồng tiền chắt chiu, những đồng tiền vay mượn phải được giao vào tay những người chân chính. Tiền phải đẻ ra tiền chứ không phải là đẻ ra tội phạm. Đó chính là vấn đề con người.


Một con người cụ thể được tôi luyện trưởng thành gồm nhiều yếu tố, nhưng việc được rèn giũa trong nhà trường là vô cùng quan trọng. Với nhà trường, vai trò giáo dục hình thành nhân cách con người hệ trọng không kém gì trách nhiệm truyền thụ kiến thức, đôi khi còn hơn. Chủ trương của người xưa "tiên học lễ, hậu học văn” xem ra vẫn không lạc hậu. Bác Hồ kính yêu cũng từng căn dặn, cán bộ phải "vừa hồng, vừa chuyên”. "Hồng” ở đây là phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng. Bác đã đặt yếu tố phẩm chất đạo đức lên trước, vì thực tế cho thấy một người chuyên môn giỏi nhưng suy thoái đạo đức thì rốt lại cũng chỉ có thể đẻ ra những... Vinashin, Vinalines mà thôi.


Chúng ta đã hao tâm tổn trí tổ chức các cuộc thi trong quá trình học tập của một con người, từ bậc tiểu học cho đến hết đại học, thi cử liên miên. Điểm số được coi là phẩm chất của người học. Còn phẩm chất thật thì lại rất mờ nhạt, không được đầu tư vun trồng. Hành trang vào đời của một học sinh, sinh viên là những balô nặng trĩu sách vở, là những đôi mắt kính dày cồm cộp, là tràng giang đại hải kiến thức cổ kim đông tây; nhưng kĩ năng sống thế nào, làm gì để hội nhập, kĩ sư điện có lắp được một cái bóng đèn không... thì lại rất ít quan tâm.


Chính vì cái "làn sóng” ghê gớm ấy mà ngay đến các bậc cha mẹ học sinh cũng chỉ mong con mình học giỏi, đứng đầu lớp càng tốt, còn thì cũng không cần biết chúng được trang bị những gì để lớn lên thành một công dân chân chính, người lao động lương thiện, có lòng nhân.


Từ rất nhiều vụ tiêu cực với nhiều vị phải chịu luật hình, đã đến lúc cần nhìn nhận lại quan điểm đầu tư: không chỉ là đầu tư vào những nơi sinh lợi tiền bạc, mà gốc gác phải là đầu tư xây dựng nhân cách con người. Việc đầu tư xây dựng ý thức là hết sức hệ trọng, cũng không tốn tiền bạc gì- nhưng vấn đề ở chỗ là phải nhìn ra, phải thấy được đó là gốc của mọi vấn đề. Nếu chúng ta có đội ngũ cán bộ liêm khiết, thì làm sao tiền bạc thất thoát, nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí đến độ trở thành "quốc nạn”, dẹp mãi không xong.


Xây dựng ý thức con người là khó, đòi hỏi rất công phu, tỉ mỉ, bền bỉ, liên tục. "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”- Bác Hồ đã dạy, nhưng nào phải ai cũng ý thức được, cho nên mới nảy nòi ra nhiều kẻ suy thoái, biến chất. Môi trường có thể làm hỏng con người, nhưng nếu người ta được chuẩn bị tốt ý thức công dân, biết phải "làm người trước làm nhà” thì đâu đến nỗi.

NAM VIỆT

Nguồn: daidoanket.vn

Link: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=65619&menu=1451&style=1

No comments:

Post a Comment