Sunday, June 16, 2013

Nóng ghế Bộ trưởng

 Những ngày qua, "nóng nhất” là việc các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh lãnh đạo cao cấp do QH bầu, phê chuẩn. Ngay sau đó là những ngày chất vấn, một số Bộ trưởng lại phải tiếp tục đăng đàn với những thử thách không dễ dàng. Dư luận cho rằng, đó là cuộc "sát hạch kép”. 


 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: 108 phiếu tín nhiệm cao (21,69%); 228 phiếu tín nhiệm (45,78%); 146 phiếu tín nhiệm thấp (29,32%) 
1. Sáng 11-6, ngay sau khi QH công bố kết quả chính thức lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên đối với 47 quan chức cao cấp, ngay lập tức cộng đồng mạng bàn tán vô cùng sôi nổi. Tiếp theo là đài phát thanh, truyền hình báo in vào cuộc. Trước đó, "thông tấn xã vỉa hè” đưa ra nhiều dự đoán theo hai hướng. Thứ nhất, Bộ trưởng này sẽ bị thế này, thế kia do phiếu quá thấp. Thứ hai, không vị Bộ trưởng nào phiếu tín nhiệm thấp, có nghĩa là hòa cả làng.

Tuy nhiên, khi công khai kết quả mới thấy nhiều điều không như dự đoán. Một ví dụ: Dư luận "nhất quyết” cho rằng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lần này sẽ thấp phiếu nhất: Hơn 2 năm rưỡi qua, người dân cũng đã "lăn tăn” với Bộ trưởng Thăng, và nhất là ngay tại thời điểm "nóng” trước khi ĐBQH bỏ phiếu thì tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra, trong đó có vụ thảm khốc. Điều đó sẽ tác động mạnh tới tâm lý người bỏ phiếu. Nhưng hóa ra lại không như thế: Các ĐBQH có cái nhìn toàn diện hơn, có nhiều dữ liệu để đánh giá hơn nên uy tín của Bộ trưởng GTVT vẫn ổn. Một blogger viết: "Ông Thăng đã vượt qua sát-na một cách vô cùng ngoạn mục”. Sát-na hay được nhà Phật sử dụng, chỉ đơn vị ngắn nhất của thời gian; nói cách khác sát-na chỉ thời gian chớp nhoáng của mỗi biến đổi. Còn thông thường, người ta coi sát-na là một tình huống hiểm nghèo.

Nhưng, bên cạnh nhiều Bộ trưởng, nhiều quan chức cao cấp vui, thì cũng có những "tư lệnh ngành” buồn, do mình đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn phải nhận những lá phiếu tín nhiệm thấp. Chắc chắn sau lần này, các vị sẽ ngộ ra nhiều điều và phải tức tốc điều chỉnh nhiều vấn đề, trong đó có những việc phải làm ngay.

Trong vụ tín nhiệm thấp của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, nghĩ cũng thật mệt mỏi. Để quản lý thị trường vàng, NHNN đưa ra nhiều cách, nhưng càng nhiều cách thì vàng càng nhảy múa. Có điều gì đó trái với quy luật chung, lĩnh vực ngân hàng tiền tệ, kinh doanh vàng ở ta cứ như thể "một mình một chợ”, cho dù những người có trách nhiệm hò hét thế nào đi chăng nữa. Bao nhiêu phiên đấu giá, thì giá vàng trong nước vẫn cách xa với giá vàng thế giới: khoảng cách không được từ 400-500.000 đồng như kỳ vọng mà có thời điểm còn chênh hơn 5,5 triệu đồng/lượng.

Đã thế, tín dụng lại như "cục máu đông”, làm tắc nghẽn dòng chảy kinh tế. Không có vốn thì các doanh nghiệp (DN) không làm ăn được. Nhưng hạ lãi suất cho vay từ lần này qua lần khác, nhưng "cục máu đông” vẫn không tan. Lạ thế! Trước đó DN kêu không có tiền đầu tư sản xuất, kinh doanh; nhưng khi ngân hàng hạ lãi suất thì lại không vay, vì sợ rơi vào cảnh "tốt vay thì dày nợ” do sức mua của thị trường xuống rất thấp. Thật là chán chuyện khi mà xã hội "khát” tiền, trong lúc tiền lại "chất đống” ở ngân hàng. Thống đốc NHNN đang đứng giữa những nghịch lý ấy. Tín nhiệm thấp với ông Bình hơi bị oan, vì "bài toán tiền” trong thời buổi suy thoái là bài toán khó giải nhất.

 Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: 112 phiếu tín nhiệm cao (22,49%); 251 phiếu tín nhiệm (50,4%); 128 phiếu tín nhiệm thấp (25,07%) 
Còn nhớ, "quả” đầu tiên khi ông Phạm Vũ Luận vào vai Bộ trưởng Bộ GDĐT, là việc hàng ngàn học sinh bị điểm "0” môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng ông Luận lại "ngôn” rằng, đó là chuyện bình thường (!?). Từ đó, xã hội nhớ ông, giới truyền thông nhớ ông. Nói như PGS. Văn Như Cương thì giáo dục cũng giống như bóng đá, người không biết đá bóng cũng bình luận được, cho nên Bộ trưởng Luận phải chịu sự "giám sát xã hội chặt chẽ” âu cũng là chuyện bản thân ông phải chấp nhận. Chấp nhận không có nghĩa là phớt lờ dư luận, khi mà hàng núi việc đang chờ Bộ GD&ĐT ra tay mạnh mẽ, và nhất là phải xác định được thật đúng hướng. Đổi mới hay cải cách giáo dục- câu hỏi ấy chưa bao giờ được trả lời dứt khoát, nên mới xảy ra chuyện "vừa chạy vừa xếp hàng” nhúc nhắc từng tí một. Năm trước dính vụ Đồi Ngô, ông Luận rất bực nên quyết ra tay dẹp loạn phòng thi, kỳ này cho học sinh mang cả "thiết bị chống tiêu cực” vào phòng thi- một chủ trương độc nhất vô nhị khắp thế gian. Những ngày trước bỏ phiếu, cũng may cho ông Luận, vì kỳ thi tốt nghiệp THPT được coi là tốt đẹp, vì không có scandal nào; nói dại mồm chứ nếu mà vụ "loạn phòng thi” tại trường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) bung ra trước thì không biết số phiếu của vị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT còn đến đâu.

Cũng xin được chia sẻ với Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Nào phải Bộ trưởng Hoàng muốn gà lậu, gà thải loại, cá tầm, ếch, nội tạng gia súc, gia cầm thiu thối… từ bên kia biên giới ùa vào nội địa của ta đâu; nào phải Bộ trưởng muốn xăng tăng giá vù vù đâu; hay là giá điện rập rình chực "phi mã” khiến người dân lẫn DN ăn không ngon ngủ không yên; lại còn cái vụ Tân Rai- Nhân Cơ, bauxite chưa khai thác được đã thấy là lỗ… khiến Bộ trưởng Hoàng căng sức ra cũng khó mà lo cho vẹn tứ bề. Còn với bà Nguyễn Thị Kim Tiến, ngay trong giai đoạn còn "tân” Bộ trưởng, bà đã rất quyết liệt khi đề xuất tăng hàng loạt dịch vụ y tế, bởi theo bà Tiến không có tiền thì không thể giải quyết được sự nhếch nhác, xuống cấp của hệ thống. Trao qua đổi lại mãi, cuối cùng nhà nước thuận theo đề nghị, cho ngành y tế được tăng giá dịch vụ. Nhưng than ôi, có lẽ "dòng tiền” đó chưa thu được bao nhiêu và cũng chưa kịp "ngấm” vào cơ thể của ngành y tế, nên người bệnh vẫn phải chịu vô vàn khốn đốn. Sự quá tải bệnh viện tuyến trên là căn bệnh nan y của ngành này, mà bác sĩ tự mình phẫu thuật cắt bỏ khối u cho mình thì khó quá. Khi bà Tiến tới BV Ung bướu (TP.HCM) thị sát, thì người bệnh đã bò từ trong gầm giường ra đón Bộ trưởng. Hỏi có nước nào như ở ta không?

Nhìn lại một số vị Bộ trưởng phải nhận phiếu thấp từ các ĐBQH trong kỳ lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, mới thấy đó đều là những vị trí ghế nóng, liên quan đến đời sống dân sinh của toàn xã hội. Chia sẻ với các vị Bộ trưởng, nhưng vấn đề ở đây là từ đó các vị không nên quá buồn phiền, mà phải suy nghĩ, điều chỉnh, tìm cách làm tốt nhất trong vai trò "tư lệnh ngành” của mình.

 Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận: 86 phiếu tín nhiệm cao (17,27%); 229 phiếu tín nhiệm (45,98%); 177 phiếu tín nhiệm thấp (35,54%) 
2. Bàn tán về "phiếu” chưa dứt thì dư luận lại hướng sự chú ý sang trả lời chất vấn ĐBQH của một số vị Bộ trưởng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát mở màn cho hoạt động chất vấn- trả lời chất vấn của Kỳ họp. Đáng tiếc là việc một ngành ngồn ngộn vấn đề bức xúc như vậy, nhưng Bộ trưởng Phát lại chưa truyền được niềm tin cho người dân. Người dân không buộc Bộ trưởng phải đưa giá lúa gạo lên nhưng người ta được quyền hy vọng nó sẽ lên từ những quyết sách rõ ràng, thực tế nào đó chứ không phải là chuyện chung chung. Ông Bộ trưởng cũng không thể đi lùng bắt những thương lái "lạ” thu gom hết rễ cây lại đến vỏ cây, lá cây khô; gom sắn, gom nhãn, gom hạt tiêu… đi đâu không rõ, làm cho không ít người dân thua thiệt và nền sản xuất nông nghiệp lệch lạc. Bộ trưởng cũng không thể biết trước nơi nào định bán thóc giống chỉ cho ra toàn bông lép để mà ngăn; cũng như có biết đâu rằng chim yến "lãi khủng” như thế bỗng có ngày bị virus cúm làm cho liêu xiêu. Đúng là chuyện nhà nông mưa nắng bất thường, nhưng mấu chốt là ở chỗ Bộ trưởng NN&PTNT phải cho người ta thấy rằng nếu như thế này thì sẽ xử lý thế này: có nghĩa là cần giải pháp chứ không phải là giải thích. Mà điều đó trong lần trả lời chất vấn này, người ta chưa thấy ở Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cũng làm "nổi sóng” dư luận. Rõ nhất là phần du lịch. Khi các ĐB đặt vấn đề vì sao ta có nhiều Di sản thế giới, tiềm năng du lịch dồi dào nhưng vẫn không phát triển ngành này được, thì Bộ trưởng dẫn dắt vòng quanh, khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải ngắt giữa chừng: "Bộ trưởng trình bày "đường bay” nhiều nên dài quá, Bộ trưởng nói gọn lại...”. Có thể "chặt chém” du khách liên quan đến việc nọ việc kia, nhưng con số 80% du khách một đi không trở lại Việt Nam thì giải thích sao đây. Đó là chưa kể đến hết chùa này hạ giải làm mới đến làng này làng kia "dọa” trả lại bằng công nhận di tích. Văn hóa là gương mặt của mỗi quốc gia, gương mặt của ta độ này… hơi khác. Cho đến việc chọn một nữ Đại sứ du lịch cũng rất ầm ào mà rốt cuộc không đâu vào đâu, mới thấy tình hình nguy lắm.

Những ngày sôi nổi đã qua, nhưng dư âm của nó thì còn lại lâu dài. Những vị Bộ trưởng, những chiếc ghế nóng- ấy là nóng chuyện dân, chuyện nước. Mong các vị bình tĩnh nhìn nhận lại những gì người dân góp ý, người dân đòi hỏi để hành động xứng danh công bộc.

 HÀ TRỌNG NGHĨA 

Nguồn: daidoanket.vn

Link: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=65804&menu=1434&style=1

No comments:

Post a Comment