Wednesday, June 12, 2013

Sẽ công khai các cơ sở bơm nước vào gia súc

 PN - Mặc dù tình trạng bơm nước vào thịt gia súc đã được phát hiện và gây hoang mang trong người tiêu dùng (NTD) hơn một năm qua song tới nay, tình trạng này vẫn không chấm dứt và có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), công tác kiểm tra, giám sát giết mổ động vật vẫn còn bị bỏ ngỏ. 

 Ảnh minh họa: VTV 

Tại cuộc giao ban Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm do Bộ NN-PTNT tổ chức, thực trạng bơm nước vào gia súc được cơ quan chức năng cảnh báo mang lại nhiều nguy hại cho người tiêu dùng. Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong thời gian vừa qua, cơ quan thú y liên tục phát hiện nhiều trường hợp vi phạm trên cả nước. Trong sáu tháng đầu năm, chỉ riêng tỉnh Cà Mau, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử lý 35 trường hợp vi phạm với tổng số tiền là 125 triệu đồng. Gần đây nhất, vào ngày 4/6, Sở NN-PTNT Cà Mau đã bắt quả tang cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Quốc Tuấn - ngụ tại ấp Tân Bửu, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau), đang tiến hành bơm nước vào heo. Theo các chuyên gia, bơm nước sẽ làm tăng trọng lượng thịt heo sau khi giết mổ. Cụ thể, đối với heo có trọng lượng 100kg, lượng thịt sau giết mổ tăng hơn so với thông thường gần chục ký, như vậy, các chủ cơ sở có thể thu lợi nhuận từ 400.000 - 500.000đ. Huyện Thới Bình (Cà Mau) là địa phương vi phạm nhiều nhất với tổng số 14 cơ sở bị phát hiện.

Tại TP.HCM, bơm nước cho heo cũng là vấn nạn đáng báo động. Vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện 40 con heo đang bị bơm nước tại địa bàn huyện Hóc Môn. Không chỉ heo, thịt trâu bò từ Long An vận chuyển vào thành phố bị nhiều cơ sở sử dụng thủ thuật gian lận này.

Theo ông Đàm Xuân Thành, bơm nước vào thịt gia súc, gia cầm không đơn thuần là hành vi gian lận thương mại mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng an toàn thực phẩm. Khi bơm nước vào đường tiêu hóa của động vật, thịt dễ dàng bị nhiễm vi sinh vật hoặc các chất độc hại khác nếu nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, từ đó gây nguy hại cho sức khỏe NTD. Vì vậy, Cục đã có công văn khẩn tới các cơ quan thú y vùng và Chi cục Thú y các địa phương về việc tăng cường tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra định kỳ cũng như kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ gia súc. Trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ gia súc bị bơm nước phải ngừng ngay việc vận chuyển, giết mổ và nhốt cách ly để theo dõi, truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên việc tiêm nước vào heo, trâu, bò bị phát hiện. Đúng như Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu lo lắng, liệu có phải cứ mỗi lần phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng mới lo tăng cường kiểm tra, xử lý? Trong khi đó, để hạn chế tình trạng này cần kiểm tra tận gốc, rà soát các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đăng ký và tăng cường công tác giám sát trước khi mổ để hạn chế các hành vi vi phạm. Bà Thu cho rằng, tại nhiều tỉnh hiện nay, công tác quản lý giết mổ chưa được chuyên nghiệp. Đặc biệt, nếu chỉ phạt tiền các cơ sở tiêm nước vào gia súc với mức vài triệu đồng thì chưa thể giải quyết vấn đề hiệu quả. Bà Thu yêu cầu phải công khai toàn bộ những cơ sở vi phạm một cách rộng rãi để người dân biết, xem đây là biện pháp răn đe để các cơ sở này tránh tái phạm.

 Huyền Anh 


No comments:

Post a Comment