Sunday, June 16, 2013

18 tổ chức kiến nghị chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

 Dân Việt - Hôm nay, ngày 16.6, 18 tổ chức xã hội và nghề nghiệp đã gửi kiến nghị chính thức đến Quốc hội, đề nghị chưa biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. 

Bản kiến nghị cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và Dự thảo này cũng được nhiều tổ chức xã hội - nghề nghiệp đưa ra các khuyến nghị sửa đổi sau khi lắng nghe trực tiếp ý kiến của người dân và chính quyền nhiều địa phương. Tuy nhiên, những điều chỉnh trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất được trình để Quốc hội xem xét vẫn chưa phản ánh đầy đủ những nguyện vọng xác đáng của người dân.

Tham vấn ý kiến người dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại xã Xuân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Ảnh: Mậu Tài.

Có ba lý do chính được Bản kiến nghị đưa ra:

Theo nghị trình của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 17 và 18.6. Quốc hội cũng bố trí lịch biểu quyết thông qua dự luật này vào ngày 21.6.2013.

  Thứ nhất  , cơ chế Nhà nước thu hồi đất cần được vận hành thống nhất với quy định của Hiến pháp về quyền của Nhà nước đối với việc trưng thu, trưng dụng, trưng mua tài sản của người dân khi pháp luật đã thừa nhận quyền sử dụng đất là tài sản của hộ gia đình, cá nhân.

Vấn đề này còn đang được thảo luận trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Do, đó việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cần được lùi lại chờ Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi để đảm bảo tính hợp hiến.

  Thứ hai  , sự tham gia của người dân (nơi có đất) là một yếu tố quyết định tính đồng thuận của xã hội, giúp giảm khiếu kiện. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có những đổi mới tương xứng để khẳng định quyền tham gia của người dân vào các quyết định của Nhà nước về đất đai, vào quá trình quản lý đất đai, giám sát việc thực thi pháp luật đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

  Thứ ba  , Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn rất nhiều quy định về các cơ chế quan trọng chưa nhận được ý kiến tán thành của người dân, chưa tiếp thu được các kinh nghiệm hữu ích từ các nước có hoàn cảnh tương tự, chưa tiếp nhận được các kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế về Việt Nam. Các cơ chế đặc biệt cần tiếp tục phải nghiên cứu thấu đáo và tiếp tục điều chỉnh (…).

Trước lo lắng của một số Đại biểu Quốc hội về một khoảng trống pháp lý nếu không thông qua dự luật Đất đai trong kỳ họp này, Bản kiến nghị khẳng định:

Việc chưa biểu quyết Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại Kỳ họp Quốc hội lần này tuyệt đối không có khoảng trống pháp luật nào tồn tại sau ngày 15.10.2013, vì pháp luật đất đai hiện hành có quy định là khi hết thời hạn sử dụng thì người nông dân được gia hạn tự động mà không cần bất cứ một thủ tục hành chính nào (Khoản 1 Điều 34 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thị hành Luật Đất đai)" và Quốc hội cũng không cần ban hành bất kỳ văn bản hỗ trợ nào.

Kết luận của Kiến nghị ghi rõ: “Chúng tôi trân trọng kính đề nghị Quốc hội sẽ lắng nghe và chấp nhận đề nghị chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) trong kỳ họp lần này để có đủ điều kiện phù hợp Hiến pháp và có thêm thời gian nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng những quy định sẽ tác động đến đời sống của đa số người dân".

Danh sách các tổ chức, cá nhân đồng thuận gửi Bản kiến nghị (CƠ QUAN/ TỔ CHỨC Đại diện/Chức danh):

1 Viện Tư vấn phát triển (CODE) Ông Phạm Quang Tú - Phó Viện trưởng.

2 Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) Ông Hoàng Mạnh Quân – Giám đốc CÁC ĐƠN VỊ THUỘC LIÊN MINH ĐẤT ĐAI Đại diện/Chức danh

3 Trung tâm nghiên cứu & Phát triển Cộng đồng nông thôn (CCRD) Ông Phạm Văn Thành - Giám đốc

4 Trung tâm Dân số, Môi trường & Phát triển (PED) Ông Đỗ Đức Khôi - Giám đốc

5 Trung tâm tư vấn truyền thông và phát triển (CCDC) Ông Lê Đức Lưu - Giám đốc

6 Trung tâm ứng dụng công nghệ phát triển cộng đồng asiaplant (Asiaplant) Ông Bùi Khắc Vư - Giám đốc

7 Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ dự án phát triển nông thôn (RDP). Bà Vũ Thị Ngọc Lan - Giám đốc

8 Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC). Bà Nguyễn Ngọc Lan - Phó Giám đốc.

9 Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa & Phát triển (CIRD). Ông Ngô Văn Hồng - Giám đốc

10 Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bà Đặng Phương Hoa.

11 Hội nghề cá Việt Nam (VINAFISH) Ông Võ Văn Trác - Phó Chủ tịch thường trực.

12 Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu & Phát triển bền vững Ông Nguyễn Mộng Cường - Giám đốc

13 Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD) Ông Tạ Long - Giám đốc

14 Trung tâm nghiên cứu chính sách và pháp luật phát triển bền vững (LPSD) Ông Đặng Đình Bách - Giám đốc

15 Trung tâm Phát triển Cộng đồng bền vững (SCODE) Bà Ngô Thị Lan Phương - Giám đốc

16 Trung tâm hỗ trợ các Chương trình phát triển (CSDP) Ông Lê Quốc Hùng - Giám đốc.

17 Trung tâm hỗ trợ Năng lực và Hợp tác cộng đồng (ACEP) Ông Đào Trần Phương - Giám đốc.

18 Trung tâm Tư vấn Quản lý & Đào tạo - Viện Quản lý Kinh tế TW. Ông Chu Tiến Quang - Giám đốc


Nguồn: danviet.vn

Link: http://danviet.vn/142848p1c24/18-to-chuc-kien-nghi-chua-thong-qua-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi.htm

Nếu bão đổ bộ, TP.HCM phải sơ tán hơn 245.000 người

 TTO - “Việc di dời, sơ tán dân phải được hoàn thành trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão đổ bộ trực tiếp vào TP.HCM” là một trong những yêu cầu bắt buộc của UBND TP. 

Cơn mưa to kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ tại TP.HCM chiều 16-6. Ảnh: TR.N.

Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc tại qui định về phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào TP, vừa được UBND TP ban hành.

Trong trường bão trực tiếp đổ bộ vào TP, phương án trên cũng xác định tại 24 quận, huyện có 192 phường, xã, thị trấn có dân cần di dời, sơ tán dân với hơn 245.000 người của hơn 60.000 hộ.

Các quận 12, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ… có số người phải di dời, sơ tán theo phương án vừa nêu lên đến hàng chục nghìn người.

QUỐC THANH


Nguồn: tuoitre.vn

Link: http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/554183/neu-bao-do-bo-tp-hcm-phai-so-tan-hon-245-000-nguoi.html

Giảng dạy phòng, chống tham nhũng từ năm học 2013 – 2014

 Theo Chỉ thị 10/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, từ năm học 2013 - 2014, sẽ đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. 

Sau 3 năm triển khai thí điểm thực hiện Quyết định 137/2009/QĐ-TTg ngày 2/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng (Đề án 137), đến nay đã có đủ điều kiện để đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy từ năm học 2013 - 2014 tại các cơ sở giáo dục, đào tạo (từ cấp trung học phổ thông trở lên).

Để thực hiện tốt việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, từ năm học 2013 - 2014, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ rà soát, hoàn thiện, phê duyệt, phát hành các tài liệu bồi dưỡng, tập huấn về phòng, chống tham nhũng dành cho giảng viên, giáo viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; giáo viên các trường trung học phổ thông; giảng viên, giáo viên các trường hành chính,...

Bên cạnh đó, hoàn thiện chuyên mục phòng, chống tham nhũng trên Trang thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ, đăng tải, cung cấp thông tin kịp thời các tài liệu đã được các Bộ, ngành biên soạn, phê duyệt, tư liệu về các vụ án tham nhũng trong và ngoài nước, kinh nghiệm của nước ngoài về phòng, chống tham nhũng phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập của giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên.

Đồng thời, chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thực hiện và giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Chỉ thị nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy trong kế hoạch đổi mới chương trình, tài liệu sách giáo khoa phù hợp với từng cấp học.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông trong phạm vi chức năng của mình chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các cơ sở thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nói chung và việc tổ chức triển khai thực hiện đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào các cơ sở giáo dục, đào tạo nói riêng


Nguồn: cand.com.vn

Link: http://cand.com.vn/vi-vn/thoisu/2013/6/201582.cand

Đại biểu Quốc hội “chấm điểm” phiên chất vấn

 KTĐT - Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội về những vấn đề phiên chất vấn tại Quốc hội đưa ra, nhiều ĐBQH mong rằng, phiên chất vấn chưa thật sự làm hài lòng các ĐB, tuy nhiên vẫn mong các Bộ trưởng sẽ thực hiện những cam kết của mình. 

 >> Kinh tế cần phát triển bền vững, không tăng trưởng nóng 

 >>>Vẫn dừng ở “quyết tâm” 

 >> Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đột phá là phải tái cơ cấu nông nghiệp 

  ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa): Cử tri chưa thỏa mãn  

Các “tư lệnh ngành” chưa làm cho ĐB và cử tri chưa thỏa mãn, khi diễn giải, thể hiện trách nhiệm của mình trong từng câu hỏi của ĐB thì rườm rà và chưa thực sự sắc sảo… Tôi thấy, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh rất sôi nổi với công tác phong trào, xử lý tốt các vụ việc gây bức xúc trong lĩnh vực văn hóa, tuy nhiên cử tri vẫn chưa thực sự thỏa mãn với phần trả lời về chiến lược phát triển ở lĩnh vực du lịch, cũng như ngăn chặn sự tha hóa đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay.

  ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận): Thủ tướng nên chủ trì phiên chất vấn  

Chất lượng phiên chất vấn chỉ đạt mức trên trung bình, ngành nào cũng có khó khăn riêng của ngành đó, tuy nhiên các Bộ trưởng cần có những câu trả lời thực sự mạch lạc, rõ ràng, rõ quan điểm hơn. Như ở phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, chưa làm rõ được định hướng phát triển của ngành, nhất là ở lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, tôi ấn tượng với phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, đây là Bộ giải quyết nhiều việc rất cụ thể chứ ít có kế hoạch lộ trình dài hơi. Để nâng cao chất lượng các phiên chất vấn, theo quan điểm của tôi cần có sự thay đổi, đặc biệt là với Chính phủ. Tôi cho rằng đây là chất vấn với tập thể Chính phủ và cần sự thay đổi là Thủ tướng phải chủ trì phiên trả lời chất vấn đó, trên cơ sở các câu hỏi đặt ra Thủ tướng giao cho các Bộ trưởng trả lời, như vậy sẽ mang tính tổng thể, chất lượng nội dung trả lời sẽ đảm bảo hơn.

  ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội): Một loạt vấn đề còn chưa được làm rõ  

Qua các phiên chất vấn vừa qua, nhiều vấn đề liên quan đến nông nghiêp vẫn còn đang tồn tại như: làm thế nào để người nông dân có thể chủ động trong các vụ thu hoạch, tức là có hệ thống bảo quản, chế biến ban đầu để người nông dân không phụ thuộc vào thời tiết và nâng được giá trị sản phẩm; hay làm thế nào để sản phẩm của người nông dân đến trực tiếp được tay người tiêu dùng, không phải qua quá nhiều khâu trung gian, đầu cơ để cả người nông dân lẫn người tiêu dùng được lợi… vẫn chưa được làm rõ. Với 76% dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu chúng ta có giải pháp tốt cho nông dân, người nông dân có cuộc sống tốt hơn, giàu hơn thì đất nước sẽ mạnh lên.


Nguồn: www.ktdt.com.vn

Link: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/364386/dai-bieu-quoc-hoi-cham-diem-phien-chat-van.aspx

Hàng ngàn hécta lúa mới gieo sạ vụ hè thu bị ngập úng

 QĐND Online - Đang giữa mùa hè, nhưng mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua đã làm cho hàng ngàn hécta lúa hè thu vừa mới gieo sạ ở tỉnh Phú Yên - vựa lúa lớn nhất miền Trung bị ngập úng. 

Tại huyện Đông Hòa, bà con nông dân đã gieo sạ được hơn 4.200ha thì đã có gần 2.100ha bị ngập úng, nhiều khả năng phải gieo sạ lại toàn bộ. Tương tự, tại các cánh đồng cao sản thuộc huyện Phú Hòa và TP Tuy Hòa, đến ngày 16-6, có gần 1.000ha ruộng lúa gieo sạ từ 4 đến 7 ngày tuổi bị ngập úng, 50% bị hư hại hoàn toàn.

 Đến ngày 16-6, có gần 1.000ha ruộng lúa gieo sạ từ 4 đến 7 ngày tuổi ở Phú Yên bị ngập úng, 50% bị hư hại hoàn toàn. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên và các huyện, thành phố của tỉnh này đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp triển khai bơm nước tiêu úng, huy động các nguồn lúa giống trong dân để kịp gieo lại ngay khi nước rút. Tuy nhiên, lúa giống, giống lúa và chi phí để gieo sạ lại đang là vấn đề hết sức khó khăn đối với nhiều hộ nông dân.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết: Những năm gần đây, miền Trung trong đó có Phú Yên phải đối mặt với diễn biến bất thường của thời tiết, hết khô hạn rồi ngập úng. Vụ đông xuân vừa qua, từ ngày 22 đến 25-2, mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã làm cho gần 3.000ha lúa, 207ha hoa màu của hai huyện Đông Hòa và Tây Hòa bị ngập úng, trong đó 70% diện tích cho năng suất rất thấp.

 Tin, ảnh: XUÂN HIẾU 


Nguồn: www.qdnd.vn

Link: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/26/26/247514/Default.aspx

Cần sớm di dời KCN Biên Hòa 1 để bảo vệ sông Đồng Nai

 Để bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai, nơi đang cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho gần 20 triệu dân sống trên lưu vực, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành viên Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai vừa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm triển khai dự án di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 để giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm cho dòng sông này. 

Văn bản nêu trên cũng nhấn mạnh, với vai trò là thành viên của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, UBND TP Hồ Chí Minh nhận thấy việc chuyển đổi, di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 mang lại nhiều lợi ích trong việc bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai và ủng hộ việc triển khai dự án này của tỉnh Đồng Nai.

UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, môi trường nước của hệ thống sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi lượng nước thải từ nhiều nguồn như công nghiệp, sinh hoạt, nông nghiệp… Tình trạng ô nhiễm trên sông Đồng Nai tiếp tục tăng và có nguy cơ vượt quá khả năng xử lý của các nhà máy nước.

Theo kết quả quan trắc vào tháng 3/2013 của Trung tâm Quan trắc kỹ thuật môi trường Đồng Nai cho thấy, nguồn nước sông Đồng Nai, đặc biệt là đoạn qua khu vực tiếp nhận nguồn nước thải từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có nhiều hàm lượng vượt tiêu chuẩn và có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng nước.

Qua phân tích, hàng loạt thông số đều vượt quy chuẩn, trong đó nặng nhất là hàm lượng sắt, chất hữu cơ và vi khuẩn gây bệnh. Cụ thể các chất Fe, DO (lượng ôxy hòa tan), COD (lượng ôxy cần thiết cho quá trình ôxy hóa chất hữu cơ), N-NH 4 (lượng nitơ – amôni), P-PO 4 (hàm lượng photpho) và các loại vi khuẩn gây bệnh như E.Coli, Coliform đều vượt chuẩn quy định.

Nguồn nước sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm nặng bởi chất thải từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Sông Đồng Nai hiện là nguồn cung cấp nước quan trọng cho sinh hoạt, sản xuất, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận. Đến năm 2025, tổng nhu cầu nước sạch của TP Hồ Chí Minh là 3,7 triệu m 3 /ngày đêm, trong đó nguồn nước từ sông Đồng Nai cung cấp là 2,5 triệu m 3 /ngày đêm. Hiện đoạn sông qua đô thị Biên Hòa là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt của Nhà máy Nước Thủ Đức, Nhà máy Nước Tân Hiệp và Nhà máy Nước Bình An cung cấp nước cho 10 triệu người dân TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Chính phủ cũng đã chấp thuận đề nghị của tỉnh Đồng Nai, cho phép di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đến khu vực mới để giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm cho sông Đồng Nai. Khu công nghiệp này hiện có khoảng 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất, kinh doanh. Đây là khu công nghiệp được thành lập sớm nhất cả nước (vào năm 1964), nhiều xí nghiệp, nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu và cũ kỹ, trong khi hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp không đáp ứng yêu cầu về công suất cũng như công nghệ xử lý, là nguyên nhân phát sinh nước thải không đạt tiêu chuẩn xả thải ra sông Đồng Nai


Nguồn: cand.com.vn

Link: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2013/6/201584.cand

Ngư dân Trà Vinh liên kết, hợp tác khai thác trên biển

 (VOV) -Tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh vận động ngư dân trên địa bàn khai thác theo nhóm, tổ hợp tác. 

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Trà Vinh, hiện trên địa bàn có trên 1.350 tàu khai thác hải sản, tổng công suất gần 74.000 CV; trong đó có gần 200 tàu đánh bắt xa bờ.

Trên tinh thần tự nguyện, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 39 tổ, với 159 tàu tham gia, chủ yếu là tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên.

Các tổ hợp tác này hoạt động theo nội quy, quy chế cụ thể và hỗ trợ nhau trong việc phòng tránh bão, tìm kiếm cứu nạn.

Đặc biệt, các tổ đội hỗ trợ nhau rất tốt trong việc tìm kiếm ngư trường, tiếp tế nhiên liệu, tiêu thụ sản phẩm…, từ đó góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận mỗi chuyến đi biển khoảng 20 - 25%, đồng thời còn tham gia tốt việc bảo vệ ngư trường, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo./.


Nguồn: vov.vn

Link: http://vov.vn/xa-hoi/ngu-dan-tra-vinh-lien-ket-hop-tac-khai-thac-tren-bien/266703.vov