Wednesday, June 12, 2013

Tại sao Nông nghiệp không ’kêu to’ để được cứu?

 (Đời sống) – Đại biểu Quốc hội nhận xét Bộ trưởng Cao Đức Phát quá hiền, vì ít “kêu” với Chính phủ, Quốc hội để có biện pháp hỗ trợ nông dân nhiều hơn nữa, không như bất động sản, điện lực. 

  

Trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 12/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đề cập các giải pháp giúp đỡ nông dân vượt qua khó khăn, khi sản lượng tăng nhưng giá giảm, thu nhập của người nông dân sụt giảm nghiêm trọng. Nhưng sự hỗ trợ của Chính phủ chưa được như các ngành khác…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.  Ảnh: TTO. 

Nhận xét về các giải pháp giúp đỡ nông dân trong phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhận xét: “Tôi băn khoăn, vì trong giải pháp của mình Bộ trưởng còn hiền quá. Tôi thấy nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như bất động sản, khi gặp khó khăn, các bộ trưởng, thứ trưởng chủ trì nhiều hội thảo, đưa ra nhiều yêu cầu đề nghị Chính phủ, đề nghị Quốc hội phải có giải pháp hỗ trợ”.

Cơ sở để đại biểu Ngân đưa ra nhận xét trên đầu tiên là trong xây dựng, bất động sản. Khi từ 1, 2 năm qua, để có thể vực dậy thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, từ Bộ trưởng tới các Thứ trưởng đều lần lượt lên tiếng về thị trường này. Tới mức người dân nghe các quan chức nói cũng tự thấy rằng không cứu bất động sản thì nền kinh tế của chúng ta sẽ đổ vỡ, không thể khôi phục lại được.

Đơn cử như giải thích của Bộ trưởng Xây dựng Trình Đình Dũng thế này: “Thị trường bất động sản khó khăn sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác, mà nó còn làm giảm thu nhập của người lao động, ảnh hưởng việc giải quyết lao động, việc làm, do đó ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế và tất cả mọi người dân sẽ chịu thiệt thòi”. Đấy, quý vị có lấy đó làm nguy cơ thật to lớn không. Rồi thì các hiệp hội bất động sản, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan cũng lên tiếng ủng hộ cùng Bộ trưởng Dũng.

Thế nên phải cứu và cứu khẩn trương. Rồi thì Chính phủ đã giúp, đầu tiên là bằng cơ chế chính sách, tiếp theo là bằng tiền với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với hệ thống ngân hàng thương mại, thị trường vàng…

Hay như các Tập đoàn nhà nước, như Tập đoàn Điện lực VN (EVN), sau nhiều năm đầu tư ngoài ngành, rồi kinh doanh linh tinh không có lãi, chỉ đem về nợ đầm đìa, và rồi cũng “kêu khóc”, rằng thì kinh doanh điện lỗ quá, giá điện thấp quá nên lỗ lại càng cao, nợ chồng thêm nợ, vân vân và vân vân. Kết quả là được Chính phủ trao co cơ chế tăng giá trong vài năm liên tục để bù lỗ, trả nợ cũ và nợ mới.

Từ những dẫn chứng đấy, đại biểu Ngân mong muốn: “Nông dân và nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nhưng tôi thấy tiếng nói của ngành mình còn nhẹ quá. Tôi mong Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn trong các kiến nghị về các giải pháp của mình, phải gấp rút hỗ trợ nông dân bằng những gói hỗ trợ hết sức cụ thể”.


No comments:

Post a Comment