Tuesday, June 4, 2013

“Phải khẩn trương xây dựng lại hình ảnh du lịch Sầm Sơn”

 ”Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa hôm qua 4.6 về tình trạng “chặt chém”, đeo bám, chèo kéo khách diễn ra trong thời gian qua ở thị xã Sầm Sơn gây bức xúc cho du khách và dư luận. 

Theo đánh giá của các đại biểu tại buổi làm việc, tình trạng “chặt chém”, đeo bám, chèo kéo khách đang là vấn đề nổi cộm tại khu du lịch Sầm Sơn. Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận tổ chức và cá nhân có tư tưởng kinh doanh chộp giật, thiếu lành mạnh dẫn đến tình trạng môi trường du lịch đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của một số cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và của cộng đồng đối với sự phát triển của du lịch địa phương chưa chính xác và đầy đủ. Bên cạnh đó, nhiều khoản thu của ngân sách nhà nước đối với các hộ kinh doanh cao, sức ép cạnh tranh lớn nên tình trạng này vẫn tồn tại.

Nhận định về nguyên nhân của tình trạng này, ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn cho rằng Sầm Sơn là khu du lịch có tính chất mùa vụ, trình độ dân trí thấp. Toàn thị xã có trên 6 vạn dân, diện tích đất nông nghiệp chỉ có gần 100 ha.

Trong những năm gần đây, thu nhập của người dân từ việc đánh bắt xa bờ giảm sút nên thu nhập chính hiện nay lại phụ thuộc vào du lịch nhưng chỉ được 3 tháng hè. Ngoài ra, việc buông lỏng quản lý của các lực lượng chức năng trong thời gian dài và kiểu kinh doanh chộp giật của một bộ phận không nhỏ các hộ kinh doanh tại khu vực này nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh du lịch của Sầm Sơn.

Bên cạnh đó, các khoản thu của Nhà nước đối với các hộ kinh doanh đang ở mức rất cao. Có ki ốt sát bãi biển đã phải nộp trên 1 tỷ đồng một năm mà kinh doanh chính chỉ có 80 ngày mùa hè, trong đó chưa đến 1/4 là ngày cao điểm cuối tuần.

Chính vì vậy, để đảm bảo lợi nhuận, kèm theo lối kinh doanh chộp giật của các hộ kinh doanh nên tình trạng chèo kéo, đeo bám, chèn ép khách trên địa bàn trong những năm qua vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, ông Triều cũng cho rằng thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải về tình trạng này ở Sầm Sơn là có phần phóng đại, thông tin phản ánh một chiều, chưa tìm hiểu cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết, để giảm thiểu tình trạng này, đầu mùa du lịch năm 2013, lực lượng chức năng thị xã Sầm Sơn đã ban hành các văn bản, quy định, tổ chức 28 lớp tập huấn cho các chủ cơ sở kinh doanh và trên 2.000 lao động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch về văn hóa ứng xử trong du lịch.

Bài viết trên Báo Văn Hóa số 2319, ra ngày 27.5.2013

Bên cạnh đó, UBND thị xã đã thiết lập 4 đường dây “nóng” thường trực 24/24 để kịp thời tiếp nhận ý kiến phản ánh của du khách và giúp du khách giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi, an toàn tính mạng, tài sản, thành lập các đội trật tự đô thị gồm các lực lượng công an, quản lý thị trường, biên phòng, dân phòng ra quân quyết liệt để kiểm tra và xử nghiêm minh những hành vi ép giá, ép khách, cò mồi dẫn khách mua hàng giả, hàng kém chất lượng. Yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh phải có bảng công khai giá, niêm yết giá từng sản phẩm. Áp dụng chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm.

Sau hơn một tháng chính thức vào mùa cao điểm, các lực lượng chức năng đã tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm, có vụ việc đã áp dụng mức xử phạt 20 triệu đồng. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn còn chưa cao, tình trạng này vẫn còn xảy ra.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết bằng nhiều biện pháp về quản lý nhà nước, ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các lực lượng, cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các cấp chính quyền thị xã Sầm Sơn ngay từ đầu năm.

Đặc biệt trong năm nay Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã điều động luân chuyển các cán bộ trẻ, có năng lực, kinh nghiệm về làm lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã để trực tiếp chỉ đạo xử lý tình trạng này nên mới đầu mùa du lịch năm 2013, Sầm Sơn bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn xảy ra.

Trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ xem xét đề nghị của UBND thị xã Sầm Sơn giảm mức thu đối với các cơ sở kinh doanh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của môi trường du lịch, văn hóa trong giao tiếp ứng xử, kinh doanh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý, áp dụng các biện pháp mạnh đối với những trường hợp vi phạm, đặc biệt là tình trạng “chặt chém”, đeo bám, chèo kéo khách.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho rằng tình trạng “chặt chém”, đeo bám, chèo kéo khách hiện đang là vấn nạn ở Sầm Sơn. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển du lịch của Thanh Hóa mà còn ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của du lịch cả nước.

Năm 2013, các lực lượng chức năng của tỉnh cần phải ra quân mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết triệt để vấn đề này, phải khẩn trương xây dựng lại hình ảnh của du lịch Sầm Sơn tạo môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước, tùy thuộc theo điều kiện sẵn có của địa phương xây dựng phương án, kế hoạch xác định thị trường trọng điểm để quảng bá thu hút du khách.

 Tạ Đình Dũng (Báo Văn Hóa) 


No comments:

Post a Comment