Thursday, June 6, 2013

Họp Quốc hội: Lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong phòng chống thiên tai

 (CATP) Ngày 6-6, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên họp toàn thể hội trường về Dự thảo Luật phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai đã diễn ra với 27 ý kiến đóng góp sâu rộng của các đại biểu. 

(CATP) Ngày 6-6, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên họp toàn thể hội trường về Dự thảo Luật phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai đã diễn ra với 27 ý kiến đóng góp sâu rộng của các đại biểu.  


 Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) phát biểu tại Quốc hội 

Mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã trình bày trước Quốc hội báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Theo đó, nhiều ý kiến của ĐBQH cho rằng, nguồn lực tài chính cho hoạt động phòng chống thiên tai còn hạn hẹp, ảnh hưởng lớn đến việc thực thi các nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Việc tổ chức thực hiện mới tập trung cho việc ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai mà chưa tập trung cho công tác phòng ngừa nên hiệu quả chưa cao. Dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng quy định vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước trong phòng chống thiên tai. Theo đó, dự toán ngân sách cho phòng chống thiên tai phải được lập hằng năm nhằm bảo đảm cấp đủ, kịp thời ngân sách trung ương và địa phương cho nhiệm vụ này. Đồng thời, Nhà nước chịu trách nhiệm hỗ trợ về đời sống và sản xuất đối với các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, ưu tiên các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai.

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị, cần nghiên cứu chính sách bảo hiểm thiên tai nhất là với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, có thiên tai xảy ra thường xuyên, quy mô lớn, địa bàn bị chia cắt nghiêm trọng. Cùng ý kiến với ĐB Hoàng, nhiều ĐB khác đề nghị cần quy định cụ thể hơn về chính sách bảo hiểm thiên tai như: cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ này, ưu đãi đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thiên tai; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh ở vùng thường xuyên có thiên tai và bắt buộc các doanh nghiệp, các chủ công trình, dự án phải mua bảo hiểm về thiên tai cho công trình, dự án.

ĐB Phạm Xuân Anh (Hải Dương) cho rằng, dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn về cường độ cũng như phạm vi ảnh hưởng. Bão, lũ và lũ quét xảy ra thường xuyên hơn tại nhiều địa phương và cùng với nó, thiệt hại về kinh tế cũng như sinh mạng ngày một nhiều hơn. Do đó, cần tuyên truyền cụ thể, chính xác hơn về tác động biến đổi khí hậu để các địa phương chủ động nắm thông tin, xây dựng kế hoạch, giải pháp ứng phó kịp thời. Ngoài ra, cần bổ sung chính sách đối với việc xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm cho cuộc sống của người dân các vùng thường xuyên bị thiên tai; đầu tư và thu hút đầu tư, nghiên cứu và phát triển khoa học về thiên tai; khuyến khích xã hội hóa, nhân rộng mô hình xã hội hóa đem lại hiệu quả thiết thực trong phòng chống thiên tai (PCTT).

Về nguồn nhân lực trong PCTT, nhiều ý kiến ĐB Quốc hội tán thành với vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) làm nòng cốt. Ý kiến khác cho rằng, quy định vai trò nòng cốt của LLVTND trong PCTT sẽ tạo ra sự ỷ lại của các tổ chức, cá nhân. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, trên thực tế, khi thiên tai xảy ra, LLVTND luôn là lực lượng nòng cốt trong hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra như sơ tán người, phương tiện và tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội..., các lực lượng khác đóng vai trò phối hợp. Theo đó, nhiều ĐB đồng tình với điều này và góp ý cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của LLVTND trong PCTT để Nhà nước có sự đầu tư tài chính, trang thiết bị trong đào tạo, huấn luyện, diễn tập cho lực lượng này để hoạt động hiệu quả hơn trong lĩnh vực PCTT.

Các ĐB cũng yêu cầu dự thảo luật khẳng định rõ nguyên tắc Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong PCTT. Đồng thời, để tránh sự ỷ lại của tổ chức, cá nhân trong công tác PCTT, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị bổ sung vai trò của các tổ chức xã hội, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên, lực lượng giáo viên, sinh viên, học sinh, thanh niên, lực lượng dự bị động viên trên địa bàn xảy ra thiên tai.

Chiều 6-6, các ĐB thảo luận ở tổ về Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Dự án Luật đấu thầu (sửa đổi).


Nguồn: www.congan.com.vn

Link: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=496743&mod=detnews&p=

No comments:

Post a Comment